Chủ động phòng chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại
Những năm gần đây, thiên tai diễn ra trên diện rộng ở các địa phương trong nước ngày càng phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội. Hằng năm, Quảng Trị cũng là một trong những tỉnh thường xuyên chịu hậu quả của các loại hình thiên tai. Điều đáng quan ngại là thiên tai ngày càng mạnh hơn về cường độ và tần suất xuất hiện, trong đó nhiều nhất vẫn là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, sạt lở đất...gây thiệt hại rất lớn đến con người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Do vậy, bên cạnh tập trung cho đầu tư phát triển, công tác phòng, chống thiên tai luôn được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đặt lên hàng đầu.
Chỉ tính vài năm trở lại đây, thiên tai tùy từng mức độ xảy ra, luôn gây thiệt hại đáng kể đối với tỉnh Quảng Trị. Năm 2020 là năm địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai gây ra, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 4.252 tỉ đồng.
Năm 2021, thiên tai cũng đã gây thiệt hại khoảng 362 tỉ đồng. Năm 2022, đợt mưa lũ bất thường từ ngày 31/3 đến ngày 2/4 làm xuất hiện đợt mưa lũ cực đoan, dị thường, diễn ra trong thời điểm các loại cây trồng vụ đông xuân đang hình thành năng suất (lúa đang làm đòng, các loại cây trồng khác đang ra hoa, kết trái...) gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.
Nhiều vùng sản xuất lúa, hoa màu trọng điểm của tỉnh mất trắng; hệ thống kênh mương nội đồng, các trạm bơm tưới, tiêu bị sạt lở; các tuyến đê, kè, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác bị hư hỏng, thiệt hại về tài sản trên 791 tỉ đồng.
Bước vào mùa mưa bão năm 2023, mưa lớn kéo dài vào những ngày đầu tháng 10/2023 đến nay cũng đã khiến nhiều ngầm tràn ở khu vực miền núi bị ngập; tuyến đường tuần tra biên giới ở các xã vùng cao huyện Đakrông bị sạt lở gây chia cắt tạm thời một số địa phương. Một số xã vùng trũng huyện Hải Lăng có nước ngập cục bộ.
Trong các ngày từ 13/11 đến 8 giờ ngày 15/11/2023, mưa lớn liên tục đã gây ngập lụt cục bộ một số khu vực và tuyến đường trên địa bàn huyện Đakrông ở 10 điểm. Các ngầm tràn Ba Lòng, Tà RụtA Ngo, A Đeng, A Rồng Trên, Ly Tôn, các cầu tràn A Ngo- A Bung, La Tó, Húc Nghì, Đá Đỏ...bị ngập lụt từ 0,5-1 m. Huyện Hướng Hóa có 5 điểm trên tuyến đường tại vị trí Hong Mới vào địa bàn trung tâm xã Hướng Linh, các cầu tràn thôn Cooc, thôn Hồ, thôn Nguồn Rào- Pin, thôn Cha Lỳ...bị ngập lụt từ 0,5-1 m.
Một số tuyến đường ven sông ở các xã Triệu Giang, Triệu Ái, Triệu Long (Triệu Phong) bị ngập cục bộ. Một số điểm khu dân cư, các tuyến đường vùng thấp trũng, ven sông thuộc xã Hải Phong, Hải Trường, Hải Định (Hải Lăng) bị ngập lụt. Mưa lớn cũng đã làm vỡ hồ nuôi cá lình kình 3.500 m2 của hộ ông Phan Văn Thắng ở thôn Đông Tân An, xã Hải An với sản lượng cá khoảng 4 tấn, chỉ thu gom được khoảng 2,5 tấn, thiệt hại khoảng 350 triệu đồng.
Đợt mưa lớn trong vài ngày nay đã khiến một số địa phương trên địa bàn huyện Cam Lộ bị ngập lụt diện rộng ở nhiều khu dân cư ven sông Hiếu. Đã có khoảng 1.062 nhà dân và 5 trường học bị ảnh hưởng; 65 ha rau màu, cây ăn quả, 50.000 cây giống lâm nghiệp bị ngập úng; 1.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Tình trạng sạt lở cũng đã xảy ra tại vị trí tiếp giáp giữa thôn Mộc Đức và Trương Xá, có chiều dài hàng chục mét, cách nhà dân khoảng 10 m. Sạt lở ăn sâu tạo hàm ếch ở tuyến đường nhựa liên huyện từ đường Hoàng Diệu, TP. Đông Hà lên huyện Cam Lộ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Thiệt hại đáng kể trong đợt mưa lũ này là gia đình ông Nguyễn Văn Triều, ở Khu phố 8, thị trấn Cam Lộ bị lũ cuốn trôi, thất lạc 56 con bò, đến 8 giờ ngày 15/11/2023 mới tìm thấy 40 con, trong đó 2 con bị chết, 1 con bị gãy chân.
UBND thị trấn Cam Lộ đang khẩn trương chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ gia đình ông Triều và các gia đình ở Khu phố 8 tìm kiếm số bò còn lại. Thành phố Đông Hà cũng có khoảng 197 nhà bị ngập do lũ.
Có thể thấy, về nguyên nhân khách quan, với đặc điểm địa hình của tỉnh ngắn, dốc, nghiêng từ Tây sang Đông, khu vực đồng bằng có địa hình lòng chảo cùng với hệ thống cồn cát tự nhiên án ngữ dọc bờ biển, cửa sông tương đối hẹp, nên thời gian truyền lũ nhanh nhưng tiêu thoát chậm là một nguyên nhân làm cho các địa phương trong tỉnh khi có mưa lớn thường xảy ra ngập lụt.
Bên cạnh đó, kết cấu các tầng địa chất tại một số khu vực miền núi có tính liên kết yếu, thiếu ổn định. Khi xuất hiện các đợt mưa lớn trong nhiều ngày dẫn đến nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Về nguyên nhân chủ quan, quá trình phát triển kinh tế- xã hội gắn với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa ngày càng tăng.
Tuy nhiên, nhiều công trình được đầu tư xây dựng chưa gắn với quy hoạch phòng, chống thiên tai, đặc biệt là quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu thoát lũ của khu vực và gây ngập lụt, sạt lở tại một số nơi.
Việc đảm bảo an toàn hồ chứa chưa chủ động, điều tiết có lúc chưa hợp lý cũng góp phần gia tăng lượng nước cho vùng hạ du khi có mưa lớn. Các hoạt động trái phép hoặc thiếu kiểm soát trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội cũng đã góp phần tăng nguy cơ gây lũ lụt, xói lở. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng khai thác rừng đầu nguồn, phá hủy thảm thực vật lưu vực và hai bên bờ sông, khai thác trái phép khoáng sản lòng sông, lấn chiếm bờ sông...
Để ứng phó với thiên tai, từ đầu tháng 10/2023 đến nay, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều Công điện khẩn, Công điện về triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.
Để đảm bảo phòng, chống thiên tai chủ động, đem lại hiệu quả thực chất hơn, trước mùa mưa lũ, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và người dân cần được cung cấp thường xuyên thông tin về dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó; người dân cần được đào tạo, tập huấn, diễn tập, đặc biệt là các vùng có nguy cơ thường xuyên xảy ra thiên tai, các vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức từ công tác phòng ngừa đến ứng phó, khắc phục hậu quả, tránh tâm lý chủ quan, trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của cấp trên và cộng đồng.
Các ngành, các địa phương chú trọng hơn nữa việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai để chủ động huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, các đơn vị chuyên trách tìm kiếm, cứu nạn khi gặp sự cố xảy ra.
Tỉnh và các địa phương quan tâm huy động nguồn vốn để ưu tiên nâng cấp, sửa chữa, gia cố các công trình đê điều, hồ đập, các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, khu neo đậu tàu thuyền, di dân tái định cư cho người dân vùng bị thiên tai... Việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo phát triển các vùng chuyên canh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng góp phần vào việc phòng, chống thiên tai hiệu quả, bền vững hơn.