Chủ động phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Mặc dù trên địa bàn tỉnh tình hình tranh chấp khiếu kiện, hoạt động của các đối tượng chống đối chính trị, tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, kinh tế, môi trường còn phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo đó, công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh nông thôn… đã được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chú trọng phòng ngừa, đấu tranh trấn áp quyết liệt với các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường... Các lực lượng Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong công tác nắm, trao đổi, dự báo tình hình và triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới, biển đảo; tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh…qua đó phát hiện xử lí kịp thời 751 trường hợp vi phạm quy chế xuất nhập cảnh; bắt, xử lí 38 đối tượng liên quan đến ma túy, 34 vụ vận chuyển, mua bán pháo nổ; bắt 3 vụ/4 lượt tàu cá vi phạm quy định khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.
Các ngành, đơn vị làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh phòng, chống âm mưu hoạt động phá hoại tư tưởng, phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác nắm tình hình, rà soát hệ thống chính trị tại cơ sở phục vụ công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kì 2020-2025; vấn đề sáp nhập một số phòng, ban cấp sở; sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã theo nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời xử lí các mâu thuẫn, đơn thư khiếu nại tố cáo, sai phạm trong công tác quản lí, điều hành tại một số cơ quan, đơn vị.
Công tác bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin, trọng tâm là nắm tình hình, xác minh làm rõ năng lực tài chính của một số tổ chức, cá nhân nhằm phòng ngừa, ngăn chặn chuyển giao công nghệ lạc hậu, lừa đảo, phục vụ tốt quá trình hợp tác đầu tư; tăng cường các biện pháp quản lí lao động nước ngoài. Triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước; chấn chỉnh công tác bảo đảm an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng; chỉ đạo khắc phục lỗ hổng các trang thông tin điện tử; quyết liệt xử lí các bloger, facebook vi phạm…
Các cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lí nhà nước trong hoạt động tôn giáo; giải quyết kịp thời các vướng mắc về đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự trong các tôn giáo cũng như triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự dịp tôn giáo tổ chức các ngày lễ trọng. Làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền vận động để người dân có đơn thư khiếu nại tố cáo chấp hành các quy định về khiếu nại tố cáo, hạn chế tình trạng tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự nhất là các vụ việc liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tranh chấp địa giới hành chính, khiếu kiện liên quan đến khai thác khoáng sản, đất rừng.
Triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 bằng cách mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp, kiềm chế, đẩy lùi tội phạm hình sự, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em...Tính đến cuối tháng 10/2019, trên toàn địa bàn tỉnh đã xảy ra 280 vụ phạm pháp hình sự làm chết 8 người, bị thương 50 người, tài sản thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Một số loại tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp, tội phạm giết người xảy ra 4 vụ; tội phạm chống người thi hành công vụ; tội phạm xâm hại tình dục, nhất là đối với trẻ em xảy ra l1 vụ, gây bức xúc dư luận. Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn chiếm tỉ lệ cao do người nghiện ma túy thực hiện. Hoạt động “tín dụng đen” khá phức tạp, xuất hiện nhiều công ty tài chính do các đối tượng hình sự ngoại tỉnh cấu kết với các đối tượng người địa phương để hoạt động. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của các ngành chức năng nên đã điều tra khám phá 239 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lí 396 đối tượng, triệt phá 3 nhóm tội phạm với 16 đối tượng. Nhờ vậy, tình hình trật tự an toàn xã hội đảm bảo, các loại tội phạm được kiềm chế, không phát sinh tội phạm có tổ chức, góp phần vào sự ổn định trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm kinh tế, chức vụ; tập trung nắm tình hình lĩnh vực kinh tế trọng điểm như tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, các dự án đầu tư công. Triệt phá 2 nhóm/10 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; xử lí hình sự 1 vụ/1 đối tượng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử lí hành chính 15 đối tượng vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” như phát, dán tờ rơi, hành hung người vay khi người vay chậm trả nợ. Triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; bắt giữ 3 vụ/4 đối tượng công nghệ cao; khởi tố một số vụ án về tham ô tài sản; về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm các quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Đáng chú ý là tình hình tội phạm kinh tế tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là sự sơ hở, thiếu sót trong quản lí nhà nước về thuế, tài chính tạo điều kiện phát sinh tội phạm về trốn thuế, hoàn thuế, mua bán trái phép hóa đơn VAT; tình trạng mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu tập trung tại các tuyến, địa bàn trọng điểm diễn biến phức tạp, các đối tượng sẵn sàng chống đối lại lực lượng, cơ quan chức năng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động tinh vi, phần lớn các đối tượng phạm tội tuổi đời còn trẻ... Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Qua công tác đấu tranh cho thấy, tình hình mua bán, vận chuyên, sử dụng trái phép chất ma túy trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi; phạm vi địa bàn mở rộng; quy mô tổ chức chặt chẽ và thận trọng trong việc móc nối với các đối tượng ở ngoại biên để mua bán, vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ. Trong nội địa, xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, karaoke, quán game-internet, cơ sở lưu trú diễn ra phức tạp, hình thành nhiều điểm sử dụng ma túy trên địa bàn.
Công tác quản lí nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường. Quan tâm thực hiện có hiệu quả các nội dung, hình thức, phương pháp công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp từng địa bàn, đối tượng, gắn với phong trào thi đua khác ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực, đồng bộ trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các khu dân cư. Chú trọng đẩy mạnh phong trào ở các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo... Đặc biệt phát động phong trào toàn dân tham gia tấn công trấn áp tội phạm tại 1.174 điểm dân cư ở các địa bàn trọng điểm. Gọi hỏi, răn đe 2.967 lượt đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Các mô hình về an ninh trật tự tiếp tục được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng. Đến nay toàn tỉnh có 433 mô hình được xây dựng ở các khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp; năm 2019 đã xây dựng mới 52 mô hình về an ninh trật tự, điển hình như mô hình: “Phật tử Niệm phật đường Đại Áng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự và xây dựng văn minh đô thị”, “Móc khóa an ninh”, “Camera phòng, chống tội phạm”, “Tiếng kẻng an ninh”… Nhờ vậy tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=144843