Chủ động phòng, chống tội phạm mua bán người

UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật kết hợp thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua, bán người để mọi người cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm này.

3 đối tượng bị Bộ đội Biên phòng Long An bắt vì tội mua, bán người

3 đối tượng bị Bộ đội Biên phòng Long An bắt vì tội mua, bán người

Trong năm 2023, lực lượng chức năng trong tỉnh đã xác lập một chuyên án mua bán người để tập trung đấu tranh. Kết quả, khởi tố 10 bị can về tội “mua bán người” quy định tại điều 150 BLHS năm 2015. Các bị can này quê quán đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và tạm trú ngoài tỉnh.

Vụ việc trên được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) phát hiện trong tháng 7/2023, khi một số đối tượng đưa một cô gái với điểm xuất phát tại TP.HCM đi xuống địa bàn và đang tìm cách đưa sang Campuchia theo thỏa thuận giao dịch mua, bán. Qua đó, lực lượng chức năng đã kịp thời giải cứu thành công nạn nhân và mở rộng điều tra bắt giữ các đối tượng có hành vi mua bán người.

Theo nhận định của lực lượng chức năng, thời gian tới, tình hình hoạt động của các loại tội phạm vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm mua bán người. Thông thường phương thức, thủ đoạn rất đa dạng và tinh vi, dùng mọi thủ đoạn để lừa, đưa nạn nhân đi bán sang các nước giáp ranh biên giới Việt Nam.

Đối tượng trong nước câu kết chặt chẽ với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài hình thành những đường dây khép kín, hoạt động xuyên quốc gia, lợi dụng các hoạt động hợp pháp như du lịch, xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài rồi đưa người bị bán ra nước ngoài; lợi dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo, tuyển dụng người lao động thông qua đó thực hiện tội phạm mua bán người.

Trong năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện có hiệu quả Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật kết hợp thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua, bán người để mọi người cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm này. Nhân rộng mô hình tiên tiến, cũng như việc xây dựng mô hình mới phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm mua bán người. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, các hoạt động lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Bộ đội Biên phòng lấy lời khai một trong nhóm đối tượng bị bắt khi đang đưa một cô gái bán sang Campuchia trong tháng 7/2023

Bộ đội Biên phòng lấy lời khai một trong nhóm đối tượng bị bắt khi đang đưa một cô gái bán sang Campuchia trong tháng 7/2023

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh, cư trú và các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú, nhà hàng, karaoke, massage mà tội phạm mua bán người có thể lợi dụng để hoạt động hoặc sử dụng làm nơi tập kết nạn nhân trước khi bán ra nước ngoài. Từ đó, chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán.

Mặt khác, các lực lượng tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người và các hoạt động khác có liên quan trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-a169704.html