Chủ động phòng, chống từ sớm, từ xa (bài cuối)

Các cơ sở tín dụng như cửa hàng vàng, bạc, ngân hàng được xem là địa điểm nhạy cảm trong công tác đảm bảo an toàn. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động khá mở, khó bảo vệ bởi tính chất hoạt động,với nhiều người, mọi thành phần lứa tuổi đến liên hệ giao dịch.

Để đảm bảo an toàn, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Công an, đòi hỏi các cơ sở kinh doanh trên cần tăng cường hơn nữa ý thức cảnh giác, nâng cao phòng ngừa, thực hiện đúng những hướng dẫn phòng, chống tội phạm.

Cán bộ Công an hướng dẫn nhân viên ngân hàng biện pháp phòng, chống tội phạm.

Cán bộ Công an hướng dẫn nhân viên ngân hàng biện pháp phòng, chống tội phạm.

Có sự thay đổi về hệ, loại đối tượng gây án

Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS), Bộ Công an đã tham mưu lãnh đạo Bộ có Điện số ngày 12/1/2022 chỉ đạo Công an các địa phương và Công văn ngày 12/1/2022 đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp để phòng, chống tội phạm cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý, siêu thị, cửa hàng. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khảo sát công tác phòng, chống tội phạm cướp tài sản... tại một số phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng. Tập huấn phương án 06, diễn tập thực binh xử lý tình huống cướp tài sản tại phòng giao dịch ngân hàng cho Công an các địa phương; chỉ đạo hệ lực lượng tăng cường rà soát, quản lý đối tượng có nguy cơ phạm tội, đối tượng có biểu hiện, nghi vấn về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để phòng ngừa.

Tuy nhiên, qua thực tế đánh giá công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền tại một số địa phương có nơi, có lúc còn chưa thường xuyên, công tác phối hợp với ngành ngân hàng để khắc phục những sơ hở, hạn chế còn chưa kịp thời, triệt để, công tác phòng ngừa nghiệp vụ, quản lý đối tượng nguy cơ cao còn để sót lọt. Những khó khăn về kinh tế, việc làm, nhu cầu tài chính cuối năm vẫn là những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm cướp tài sản nhắm đến các mục tiêu trên.

Cũng theo Cục CSHS, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm cướp tài sản diễn biến phức tạp. Thống kê đáng chú ý, toàn quốc đã xảy ra 13 vụ cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, so với năm 2021 tăng 9 vụ cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng. Những vụ cướp ngân hàng, tiệm vàng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Ở những vụ án này, Cơ quan Công an phải huy động nhiều lực lượng để tập trung truy xét, bắt giữ đối tượng. Đặc biệt, liên tiếp trong hai ngày 14 - 15/11, đã xảy ra 2 vụ sử dụng vũ khí để cướp tài sản tại các phòng giao dịch ngân hàng với hành vi manh động, liều lĩnh như ở Thái Nguyên và Sa Đéc, Đồng Tháp.

Qua điều tra những vụ án, phân tích của Cục CSHS cho thấy: Đối tượng gây án thường chưa có tiền án, tiền sự, không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ, thậm chí có đối tượng là chủ doanh nghiệp, công nhân... do nợ nần, làm ăn thua lỗ, quẫn bách tài chính, tham gia tệ nạn xã hội nên phạm tội. Phần lớn lực lượng bảo vệ, nhân viên ngân hàng thường chủ quan, mất cảnh giác, để đối tượng có những biểu hiện bất thường (đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, đeo găng tay, đi xe không biển kiểm soát ...) vào bên trong khu vực giao dịch; Quy trình tiếp khách, quy trình nghiệp vụ bảo vệ còn sơ hở. Khi bị đối tượng đe dọa nhân viên và lực lượng bảo vệ thường bị động, ít có hành động tương xứng nhằm chủ động thông tin để hỗ trợ, khống chế, bắt giữ đối tượng.

Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đánh giá: Cùng với việc nợ nần, làm ăn thua lỗ, vướng vào tệ nạn xã hội, túng quẫn về tài chính, trước khi gây án, các đối tượng đã theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin, quy luật hoạt động của mục tiêu, chuẩn bị công cụ gây án. Thời điểm gây án thường vào đầu hoặc cuối giờ giao dịch tại các ngân hàng, bởi lúc này vắng khách hàng và cũng là thời điểm khả năng tập trung của nhân viên ngân hàng thấp hơn. Đối tượng che giấu đặc điểm nhân dạng và phương tiện gây án bằng cách đeo khẩu trang, che biển kiểm soát (BKS) phương tiện gây khó khăn cho công tác điều tra truy bắt.

Chủ động phòng ngừa

Phân tích nguyên nhân sâu xa hơn từ những vụ án cướp ngân hàng trên, Cục CSHS và Công an TP Hà Nội nhận thấy, một trong những lý do đó là ảnh hưởng của nền kinh tế - xã hội. Cụ thể, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của người dân. Hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh có điều kiện nên những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có đủ điều kiện để lắp đặt hệ thống báo động kết nối tới cơ quan Công an. Mặc dù Công an quận, huyện và thị xã đã tổ chức tuyên truyền vận động người dân, chủ cơ sở hiểu được tầm quan trọng cũng như lắp đặt hệ thống cảnh báo nhưng hiện vẫn chưa triển khai lắp đặt toàn diện ở tất cả các nơi.

Cũng theo đánh giá của Cục CSHS, hiện nay tình trạng bảo vệ của nhiều cơ sở kinh doanh chế tác vàng bạc, đá quý không đảm bảo về độ tuổi, nghiệp vụ bảo vệ. Nhiều nơi bảo vệ chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần là trông giữ xe, không đảm bảo yêu cầu trong công tác bảo vệ những cơ sở này.

Đồng tình với quan điểm trên, Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó Trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, hiện thậm chí tại cửa hàng gia công mua, bán vàng bạc có diện tích kinh doanh nhỏ còn không có bảo vệ, hệ thống chuông báo động, camera theo dõi cũng chưa được chú trọng đầu tư. Có những cửa hàng lắp camera nhưng chất lượng hình ảnh không rõ nét, vị trí lắp đặt chưa phù hợp, không bao quát được cửa hàng, bộ nhớ không lưu trữ được dài ngày. Hệ thống tủ kính sơ sài, còn nhiều sơ hở để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù Công an TP và Công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động lắp đặt hệ thống báo động kết nối cơ quan Công an nhiều lần nhưng vẫn có những chủ cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, lưỡng lự, đắn đo chưa lắp đặt.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa không để xảy ra các vụ cướp tài sản ở ngân hàng, Bộ Công an yêu cầu Công an các địa phương triển khai quyết liệt các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về phòng chống tội phạm như: Phương án số 03, Phương án số 06; Điện ngày 27/10/2022 của Bộ về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong đó, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý, siêu thị, cửa hàng tiện ích... trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản, phòng ngừa tội phạm. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xã hội hóa mô hình camera an ninh, vận động các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp và nhà dân lắp đặt camera phục vụ phòng, chống tội phạm. Tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ kết quả trấn áp tội phạm nhất là kết quả điều tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng gây án để “dập tắt " ý định phạm tội của các đối tượng.

Cục CSHS cũng chỉ đạo Phòng CSHS và lực lượng CSHS toàn quốc tăng cường rà soát các đối tượng nguy cơ cao như làm ăn thua lỗ, nợ nần, quẫn bách tài chính, tham gia các tệ nạn xã hội, nghiện ma túy... kịp thời phát hiện các biểu hiện chuẩn bị phạm tội để ngăn chặn, không để đối tượng gây án… Làm rõ các sơ hở, thiếu sót để kiến nghị ngành ngân hàng, các cơ sở kinh doanh khắc phục…. Khi có vụ án xảy ra, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để điều tra, truy bắt đối tượng gây án, thu hồi tang vật trong thời gian ngắn nhất để ổn định dư luận, răn đe tội phạm.

Hoàng Phong – Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/chu-dong-phong-chong-tu-som-tu-xa-bai-cuoi--i675757/