Chủ động phòng dịch bệnh thủy sản nuôi

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) cho tôm ăn. Ảnh: ANH NGỌC

Để nuôi trồng thủy sản nước lợ trong năm 2023 thành công, tỉnh và các địa phương đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi và tăng cường quản lý tại các vùng nuôi.

Tôm nuôi phát triển tốt

Từ đầu năm đến nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Riêng đối với tôm nuôi nước lợ, thời tiết đang thuận lợi nên diện tích thả nuôi ngày càng nhiều, người nuôi tập trung chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Bút nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa) nói: Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3 hồ tôm thẻ chân trắng với khoảng 11.000m2, tổng chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng. Tôm nuôi đến nay đã 2 tháng, phát triển bình thường, trọng lượng đạt từ 130-140 con/kg. Dự kiến khoảng 20-25 ngày nữa sẽ đạt kích cỡ, trọng lượng thu hoạch. Do tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi các năm trước rất phức tạp nên năm nay gia đình quyết định thả thưa và nuôi xen với cua xanh. Hy vọng từ nay đến ngày thu hoạch, tôm vẫn phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.

Ông Vi Thanh Hoan, cũng nuôi tôm ở xã Hòa Tâm, cho biết: Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 5 hồ tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích gần 15.000m2, trong đó có 2 hồ thả nuôi sớm với diện tích hơn 5.000m2, đến nay đã thu hoạch. Mặc dù lúc thả nuôi gặp thời tiết lạnh, tôm chậm phát triển, hao hụt cũng nhiều, nhưng sau 1 tháng nuôi, tôm trở lại bình thường và phát triển tốt. Sau gần 3 tháng thả nuôi, khi thu hoạch tôm đạt kích cỡ trung bình 85 con/kg, bán với giá 117.000 đồng/kg. Riêng 2 hồ đã thu hoạch, trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Giá tôm thẻ chân trắng dù đã hạ nhưng vẫn cao hơn thời điểm này năm trước, khoảng 95.000 đồng/kg loại 100 con/kg.

Theo ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, đến nay trên địa bàn thị xã đã thả nuôi với diện tích khoảng 350ha tôm thẻ chân trắng, chủ yếu ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, tôm nuôi phát triển tốt. Tuy nhiên, ở một số hồ có tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp, với diện tích gần 7ha. Đối với các hồ có tôm bệnh, Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương xử lý dứt điểm, không để lây lan diện rộng.

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) tăng cường sử dụng quạt nước để tạo ôxy cho tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) tăng cường sử dụng quạt nước để tạo ôxy cho tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Để nuôi trồng thủy sản đạt kết quả cao

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi khoảng 1.220ha; trong đó, tôm thẻ chân trắng khoảng 690ha, tôm sú gần 200ha, còn lại là các loài thủy sản khác. Tình hình NTTS đến nay cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn có một số diện tích NTTS có thủy sản nuôi bị bệnh, trong đó khoảng 13,5ha tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và khoảng 2,3ha cá mú nuôi bị bệnh hoại tử thần kinh.

Để nuôi tôm nước lợ năm nay trên địa bàn thị xã đạt kết quả cao, UBND TX Đông Hòa đã chỉ đạo các địa phương có NTTS triển khai lịch thời vụ thả nuôi, mật độ nuôi phù hợp trên cơ sở lịch thời vụ của tỉnh. Địa phương đã kiện toàn tổ phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi, bố trí kinh phí nạo vét kênh mương các vùng nuôi. Các xã, phường có NTTS trên địa bàn thị xã đang xây dựng, thành lập tổ quản lý cộng đồng theo từng tiểu vùng nuôi. “Người NTTS trên địa bàn thị xã cần thực hiện tốt các quy định trong NTTS, phối hợp với cơ quan chuyên môn và địa phương xử lý những diện tích NTTS có thủy sản nuôi bị bệnh, tránh để lây lan diện rộng. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần tăng cường kiểm tra, quản lý con giống, thức ăn và thuốc phòng trị bệnh thủy sản nuôi, tăng cường công tác kiểm tra cảnh báo môi trường và dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa cho biết.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, các địa phương cần tổ chức NTTS trên diện tích mặt nước đã được quy hoạch; khuyến cáo người nuôi thực hiện tốt khung lịch thời vụ của tỉnh nuôi một số đối tượng thủy sản nước lợ, nước mặn năm 2023; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng NTTS của cơ quan chuyên môn. Địa phương cần ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển và thủy đặc sản nước mặn, nước ngọt. Các địa phương cũng cần tăng cường vận động ngư dân giảm dần đến ổn định diện tích NTTS trên đầm, vịnh, vùng biển ven bờ chiếm khoảng 15-20% diện tích mặt nước có khả năng NTTS; phát triển tương ứng NTTS tại vùng biển mở và một số vùng trên bờ để thay thế sinh kế cho các hộ nuôi đầm, vịnh bị giải tỏa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, tăng cường quản lý, giám sát mã số cơ sở NTTS gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong NTTS.

Phấn đấu năm 2023, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 76.300 tấn, trong đó duy trì sản lượng đánh bắt khoảng 60.000 tấn, sản lượng nuôi trồng khoảng 16.300 tấn; giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 4.510 tỉ đồng; giá trị sản phẩm thu được bình quân mỗi hecta mặt nước NTTS chủ lực đạt khoảng 1 tỉ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh hơn 120 triệu USD.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/297470/chu-dong-phong-dich-benh-thuy-san-nuoi.html