Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Nhiều năm qua, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam luôn là điểm nóng về bệnh dại. Đây là căn bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất và có tỷ lệ tử vong là 100% khi xuất hiện triệu chứng. Đặc biệt, trẻ em từ 4 - 15 tuổi là nạn nhân thường xuyên của căn bệnh này.

Chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh dại tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BVCC.

Mới đây, một trường hợp tử vong thương tâm do bệnh dại đã xảy ra tại xã Ia Kly (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Bé gái này từng bị chó cắn và cào 2 lần nhưng gia đình đã không đưa cháu đi khám hay tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại. Chỉ đến khi bé gái có dấu hiệu lên cơn dại, gia đình mới đưa cháu đến Trung tâm Y tế Cao su Chư Prông.

Tại đây, bé gái được xác định mắc bệnh dại, nhưng không thể cứu chữa. Bé đã tử vong khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Ngoài ra, 10 người có tiếp xúc với bé gái, trong đó có người thân và hàng xóm, cũng bị chó cắn, cào và nghi phơi nhiễm bệnh dại. May mắn là cả 10 người này đều đã được tiêm vaccine phòng dại và chưa có dấu hiệu bệnh lý.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Gia Lai đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong do bệnh dại bất chấp những nỗ tuyên truyền về nguy cơ và phương thức phòng bệnh dại của ngành Y tế và chính quyền địa phương. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do người dân chủ quan trong việc nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng cũng như không tiêm phòng kịp thời khi bị chó, mèo cắn.

Cũng trong những ngày đầu tháng 12, xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã ghi nhận 1 cháu bé tử vong do bị chó dại cắn.

Nạn nhân là cháu N.V.Ph. (11 tuổi). Trước đó bố mẹ đi làm xa nên Ph. được gửi về nhà ông bà nội ở xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương) sinh sống.

Khoảng 2 tháng trước, cháu Ph. không may bị con chó của gia đình ông bà nội cắn. Người thân sau đó đã xử lý vết thương rồi đưa đến nhà 1 thầy lang ở khu vực Cửa Lò (Nghệ An) để lấy thuốc nam uống thay vì đến cơ sở y tế tiêm phòng dại.

Hơn 1 tuần trước khi tử vong, bệnh nhi bắt đầu lên cơn sốt và có nhiều triệu chứng của bệnh dại. Gia đình lập tức đưa cháu Ph. đến Bệnh viện huyện Thanh Chương rồi chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An để chữa trị. Tuy nhiên, trẻ đã không qua khỏi.

Trong năm 2024, Nghệ An cũng ghi nhận 7 trường hợp tử vong do bệnh dại. Từ thực tế điều trị, TS.BS Đào Hữu Nam - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Hàng năm, khoa tiếp nhận cho một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó bình thường, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình… Thực tế, mặc dù các ngành chức năng liên tục khuyến cáo về việc tiêm vaccine phòng dại, nhưng tại nước ta, trung bình mỗi năm vẫn có nhiều người tử vong vì dại. Khi đã lên cơn dại, người bệnh chắc chắn sẽ dần giã từ cuộc sống mà các bác sĩ cũng bất lực không thể cứu chữa. Điều đáng nói, các ca tử vong vì dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính tâm lý chủ quan đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố, trong đó một số địa phương ghi nhận số ca tử vong ở người do bệnh dại cao là Bình Thuận (10 trường hợp), Đắk Lắk, Nghệ An và Gia Lai.

Cơ quan này cũng chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng nói trên, đó là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm vaccine phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại, tiêm muộn, không đủ liều, không đúng chỉ định, tự điều trị, dùng thuốc nam. Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đánh giá, công tác quản lý đàn chó, mèo chưa chặt chẽ, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng dại trên đàn chó mèo thấp (chỉ khoảng 50% tổng đàn chó, mèo). Cục Y tế dự phòng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ lây truyền bệnh dại từ động vật sang người vẫn rất lớn, khả năng tiếp tục ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại ở người vẫn rất cao.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi những ca tử vong thương tâm. Biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho chó. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Bên cạnh đó, người dân thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cũng có thể tiêm dự phòng vaccine dại và tiêm vaccine dại ngay lập tức nếu không may bị chó, mèo cắn.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa bệnh dại cho bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng dại cho tất cả chó, mèo; người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y. Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em. Khi bị chó, mèo cắn cần vệ sinh và khử trùng vết thương: rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước; sau đó sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Tiêm vaccine phòng bệnh dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-phong-ngua-benh-dai-10296735.html