Chủ động phòng ngừa bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương (hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương), là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Loãng xương còn là bệnh có diễn biến âm thầm, tới khi xuất hiện các dấu hiệu rõ thì thường là có các biến chứng, chính vì vậy chủ động phòng ngừa bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất.

 Tư vấn phòng chống bệnh loãng xương tại trạm y tế

Tư vấn phòng chống bệnh loãng xương tại trạm y tế

Cách đây 3 năm, trong một lần đi tắm, bà Hoàng Thị H. (77 tuổi) ở Gio Thành, Gio Linh không may bị ngã nên bị gãy xương chậu phải điều trị hơn 6 tháng mới đi lại được. Đến nay, tuy vết thương đã lành, nhưng mỗi khi trái gió trở trời thì vẫn thấy đau. Bà H. cho biết: “ Từ sau ngày bị ngã gãy xương đến nay, tôi có đi khám và các bác sĩ cho biết tôi bị loãng xương, bị thoái hóa đốt sống. Các bác sĩ cũng đã tư vấn cho tôi các chế độ dinh dưỡng và tập luyện để phòng chống các biến chứng do bệnh loãng xương gây ra”.

Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Theo tổ chức Y tế Thế giới, hiện tại trên thế giới có hơn 200 triệu người bị mắc loãng xương. Trong đó chiếm tỉ lệ cao ở nữ giới. Khoảng 1/10 phụ nữ trên 60 tuổi, 1/5 trên 70, 2/5 trên 80 và 2/3 trên 90 tuổi bị loãng xương. Khoảng 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới trên 50 tuổi bị gãy xương do loãng xương. Theo thống kê của Hội Loãng xương Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có hơn 2,8 triệu người bị loãng xương, trong đó 76% là nữ giới. Có khoảng 170.000 trường hợp gãy xương do loãng xương.

Bệnh loãng xương có diễn biến âm thầm, người ta còn ví bệnh như một “kẻ cắp thầm lặng” hằng ngày lấy dần canxi trong xương. Tới khi xuất hiện các dấu hiệu biểu hiện rõ thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã mất đi khoảng 30% lượng canxi trong xương. Bệnh gây ra chủ yếu do quá trình lão hóa của cơ thể. Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành. Tình trạng mất xương (hay còn gọi là giảm mật độ xương) do bệnh loãng xương thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ, ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã. Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp.

Bệnh loãng xương gây gãy xương sau những va chạm rất nhẹ ở người cao tuổi, khi xương bị gãy sẽ rất khó và rất lâu liền trở lại. Người bệnh phải nằm một chỗ, điều trị dài ngày trong bệnh viện, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của người nhà. Nguy hiểm hơn, khi phải nằm lâu để điều trị sẽ kéo theo nhiều biến chứng bất lợi như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các nơi tì, đè... có thể gây tàn phế suốt đời và giảm tuổi thọ của người bệnh.

Biểu hiện của tình trạng này bao gồm đau mỏi cột sống, đau dọc các xương dài đặc biệt là xương chân, tay, đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh hay bị chuột rút các cơ; đau ở thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa…Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế, vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người… Bệnh không những gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bác sĩ Hồ Phan Trọng Quỳnh, Khoa Ngoại - Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: “Bệnh loãng xương có thể được phòng ngừa tốt bằng việc duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lí, tập thể dục thường xuyên, giảm nguy cơ té ngã, giữ cân nặng hợp lí, ngưng hút thuốc lá và giảm tối đa sử dụng bia rượu, đồng thời nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn khi có các dấu hiệu nguy cơ”.

Bảo Hân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142156