Chủ động phòng ngừa, không để bệnh dại bùng phát

Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh dại trên người do chó, mèo cắn trên cả nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tại tỉnh Bắc Giang, dù chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh dại song nguy cơ luôn tiềm ẩn nếu không có giải pháp chủ động phòng ngừa, điều trị kịp thời.

Số người bị chó, mèo cắn tăng
Sáng 28/3/2024, ông Phạm Văn Hạnh (SN 1967), trú tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn) đến Trung tâm Y tế huyện khám, đăng ký tiêm vắc-xin phòng dại. Theo lời ông Hạnh, trước đó 3 ngày, ông bị mèo của gia đình cắn vào ngón tay. Cho rằng vết thương nhỏ, thời điểm cắn, con mèo khỏe mạnh nên lúc đầu ông Hạnh không đi tiêm phòng bệnh dại. Đến ngày thứ 3, được nhân viên Trạm Y tế thị trấn tư vấn, ông Hạnh mới đi tiêm. Tương tự, chị Trương Thị Bích (SN 1990), trú tại xã Mỹ An (cùng huyện Lục Ngạn) cũng đến Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó của gia đình cắn vào tay.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho người dân.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho người dân.

Bác sĩ Vi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh - HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận, tiêm vắc -xin phòng bệnh dại cho 250 người, tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như trước đây, người đến tiêm phòng chủ yếu do bị chó, mèo thả rông hoặc của nhà hàng xóm cắn thì năm nay, số trường hợp bị vật nuôi của gia đình cắn tăng”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dù chưa ghi nhận ca bệnh dại trên người song trong 3 tháng năm 2024, toàn tỉnh có hơn 1 nghìn người phải điều trị dự phòng bệnh dại động vật do bị chó, mèo cắn, tăng gần 100 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn dẫn đến thương tích, phải nhập viện điều trị. Ngày 20/1/2024, bà Trịnh Thị H (SN 1937), trú tại phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) phải nhập viện điều trị chấn thương ở cẳng chân sau khi bị chó cắn.

Các cháu: Dương Minh H (SN 2016) ở xã Yên Lư (Yên Dũng), Nguyễn Văn T (SN 2018) ở xã Đông Hưng (Lục Nam) bị vết thương phức tạp vùng hàm, mặt do chó cắn… Bác sĩ Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Nguyên nhân nhiều người bị chó, mèo cắn là do tình trạng nuôi thả rông, tự do của người dân khá phổ biến. Nhiều trường hợp bị vật nuôi của gia đình cắn do không thực hiện các biện pháp tự bảo vệ, thường xuyên chơi đùa, vuốt ve vật nuôi”.
Chăn nuôi an toàn để phòng bệnh dại

Thực tế, dù đã có những bước tiến trong phòng, chống bệnh dại nhưng trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi năm cả nước có gần 100 người chết do bệnh dại, hơn 400 nghìn người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng. Chỉ tính riêng quý I năm nay, cả nước có 16/63 tỉnh, TP ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó có 27 trường hợp tử vong, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Tại tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017-2022, mỗi năm đều có 1-2 người tử vong do bệnh dại. Hầu hết những trường hợp tử vong là do chủ quan, không tiêm vắc - xin phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn.

Quý I năm nay, cả nước có 16/63 tỉnh, TP ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó có 27 trường hợp tử vong, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Tại tỉnh Bắc Giang, dù chưa ghi nhận ca bệnh dại trên người song từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 1 nghìn người phải điều trị dự phòng bệnh dại động vật do bị chó, mèo cắn, tăng gần 100 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày 3/11/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Dương Nhã V (SN 2009), trú tại xã Quý Sơn (Lục Ngạn) trong tình trạng kích thích, sợ nước, gió, ánh sáng và la hét. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định V bị lên cơn dại và diễn biến nặng, tử vong một ngày sau đó. Theo người nhà, trước đó gần 1 tháng, V bị một con chó lạ cắn vào cổ tay song do chủ quan nên gia đình không xử lý vết thương, không tiêm vắc-xin phòng dại. Ngày 11/9/2022, bệnh nhân Nguyễn Anh Đ (SN 2001) ở huyện Lục Nam cũng tử vong sau 5 ngày điều trị bệnh dại.

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Thời gian ủ bệnh từ 3 ngày đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài hơn tùy thuộc vào vị trí vết cắn cũng như số lượng virus. Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều tử vong. Với tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh khoảng hơn 200 nghìn con và được nuôi rải rác tại các hộ gia đình, nguy cơ bệnh dại lây nhiễm từ động vật sang người ở các địa phương trong tỉnh rất lớn.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến người nuôi chó, mèo và cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; tăng cường giám sát các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm có nguy cơ nhiễm bệnh dại chưa được tiêm vắc-xin để điều trị dự phòng. Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tiêm phòng được hơn 9 nghìn liều vắc-xin phòng dại; đang thực hiện thủ tục đấu thầu mua 50 nghìn liều theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản (dự kiến triển khai tiêm vào tháng 5/2024).

Trước tình hình dịch bệnh dại diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, ngày 29/2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP tập trung chỉ đạo công tác quản lý chó, mèo; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ. Khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải có người quản lý, đeo rọ mõm đúng quy định. Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Ở góc độ chuyên môn, các bác sĩ khuyến cáo, ngay sau khi bị chó, mèo cắn, cào, người bệnh cần được rửa kỹ các vết thương trong vòng 15 phút bằng nước sạch, xà phòng rồi dùng cồn 45-70 độ, cồn i-ốt rửa sạch và băng bó vết thương bằng gạc y tế, vải sạch để tránh nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không dùng tay để nặn máu, chà xát ở vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin phòng dại.

“Để loại trừ bệnh dại trên người, điều quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Tiếp đến là tiêm vắc-xin phòng bệnh khi bị chó, mèo cắn bởi chỉ có tiêm phòng mới không bị phát bệnh. Ngoài ra, người bị chó, mèo cắn tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa vì dễ dẫn đến những biến chứng chết người”, bác sĩ Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chu-dong-phong-ngua-khong-de-benh-dai-bung-phat-113606.bbg