Chủ động phòng tránh dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Sáng 19-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 46.217ha, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 24.297ha); ngoài ra có khoảng 10.274 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Cụ thể, thiệt hại trên tôm nuôi nước lợ là gần 43.340ha, chiếm 93,77% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,94 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 5,88% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là 1.426,3ha (gấp 5,76 lần với cùng kỳ năm 2019), chiếm 25% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước. Thiệt hại trên các loài thủy sản khác khoảng 1.452ha. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính tổng thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản (dịch bệnh, thiên tai) trung bình mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Năm 2020, tổng diện tích cá tra bị dịch bệnh là 1.426,33ha, trong đó một số bệnh chủ yếu thường gặp đối với cá tra: Bệnh gan thận mủ; bệnh do ký sinh trùng; bệnh xuất huyết, trắng gan, trắng mang, thối đuôi, phù đầu.

Ngoài ra, còn có dịch bệnh trên các loài thủy sản khác, như cá bớp bị xuất huyết; cá mú bị thiệt hại do bệnh hoại tử thần kinh (VNN); tôm hùm có hiện tượng bị bệnh sữa (MHD-SL); cá điêu hồng bị xuất huyết, trắng gan, ký sinh trùng; có 1.040ha nghêu (ngao) nuôi và 244,7ha tôm nuôi (tôm càng xanh) tại Trà Vinh bị thiệt hại do môi trường; ếch bị xuất huyết, chướng hơi, đỏ mắt, đỏ đùi, mù mắt, quẹo cổ...

Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đề nghị các địa phương và người nuôi trồng thủy sản cần chủ động phòng tránh dịch bệnh, xử lý môi trường trước khi thả nuôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, sử dụng con giống, chế phẩm sinh học có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng. Ngoài ra, việc thả nuôi với mật độ hợp lý, tránh thả nuôi dày sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh đối với thủy sản.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/chu-dong-phong-tranh-dich-benh-trong-nuoi-trong-thuy-san-654514