Chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Hiện nay, các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tăng nhanh, đặc biệt có nhiều bếp ăn tập thể cung cấp hàng nghìn suất ăn mỗi ngày cho công nhân trong các khu công nghiệp, học sinh các trường mầm non, tiểu học… Do vậy, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, những năm qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được chú trọng thực hiện. Năm 2019, các huyện, thành phố đã lấy 3.095 mẫu thực phẩm xét nghiệm, trong đó có 157 mẫu dương tính chiếm 5,1%. Các mẫu dương tính chủ yếu là các chỉ tiêu hàn the trong giò, chả, bánh tẻ và độ sạch của dụng cụ chứa đựng thực phẩm. Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm lấy 500 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm và test nhanh, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, kết quả các chỉ tiêu xét nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép. Cùng với đó, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân, đặc biệt là các cơ sở buôn bán, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú tại các trường học. Đồng thời, tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý ATTP tại địa phương, cơ sở;...
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩmtại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Lâm bình.
Trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 150 người mắc, không có người tử vong. Đến nay, các vụ ngộ độc thực phẩm đều được phát hiện kịp thời, tiến hành điều tra và xác định được nguyên nhân.
Trên địa bàn huyện Lâm Bình có gần 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm hoạt động. Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Trưởng phòng Y tế huyện Lâm Bình nói: Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được huyện thực hiện thường xuyên và quyết liệt trong nhiều năm qua, trong đó đơn vị tập trung kiểm tra tại các điểm chợ và các mặt hàng phục vụ thiết yếu như: Thịt, cá, rau, củ, bánh kẹo, dịch vụ ăn uống…
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm như: Tuyên truyền các quy định Luật An toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, rượu; hướng dẫn kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn…
Chị Nguyễn Thị Thùy, chủ cửa hàng tạp hóa Thái Thùy, ở thị trấn Na Hang cho biết, chị mở cửa hàng tạp hóa được 3 năm nay. Các loại giấy tờ, thủ tục theo quy định được các cán bộ phụ trách ở địa phương hướng dẫn cụ thể. Hằng năm, các đoàn đến kiểm tra, thấy cửa hàng còn thiếu nội dung gì đều nhắc nhở, hướng dẫn để chị thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm. Tại cửa hàng mình, chị thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định.
Theo ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền, kiểm tra được ngành Y tế quan tâm thực hiện tốt. Do đó, kiến thức về sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc thực hành đúng quy trình về an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Tại các đám cưới, đám giỗ, bữa ăn tại các gia đình, nhiều người vẫn giữ thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, không có biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau khi đã chế biến… Còn để thức ăn chín lẫn thức ăn sống trong tủ lạnh; thức ăn chế biến xong không che đậy kỹ càng dễ bị ruồi, nhặng, vi khuẩn xâm nhập… Từ đó rất dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc, bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với sự tích cực, chủ động của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần có kiến thức và sự hiểu biết. Từ đó, lựa chọn được những thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình.