Chủ động phòng, tránh thiên tai ở Thanh Hóa
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đề nghị các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, người cùng phương tiện tham gia giao thông không lưu hành qua tràn ngập nước sâu, chảy xiết.
Theo bản tin gần 17 giờ ngày 5/6 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, qua theo dõi ảnh mây radar cho thấy mây đối lưu tiếp tục phát triển nhiều nơi trên khu vực tỉnh Thanh Hóa.
Dự báo các huyện miền núi: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành; khu vực đồng bằng duyên hải thuộc các huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định, Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, các thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn có mưa rào và dông.
Cùng ngày cơ quan chức năng nhận định, mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đề nghị triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Ban cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động sẵn sàng tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, thủy lợi, đặc biệt là các vị trí xung yếu, công trình đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, tổng hợp báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-dong-phong-tranh-thien-tai-o-thanh-hoa-post812852.html