Chủ động phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa, màu

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 72.500ha lúa, trong đó diện tích gieo sạ 26.300ha (chiếm 36%); 8.500ha rau màu các loại, trong đó có 930ha ngô, 910ha đậu đỗ, 580ha lạc và các loại cây màu khác. Sản xuất vụ mùa năm 2022 trong điều kiện khí hậu biến đổi khó lường, thời tiết nắng nóng kéo dài, trong khi nguồn vi-rút gây bệnh LSĐ vẫn còn tồn tại trên đồng ruộng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 72.500ha lúa, trong đó diện tích gieo sạ 26.300ha (chiếm 36%); 8.500ha rau màu các loại, trong đó có 930ha ngô, 910ha đậu đỗ, 580ha lạc và các loại cây màu khác. Sản xuất vụ mùa năm 2022 trong điều kiện khí hậu biến đổi khó lường, thời tiết nắng nóng kéo dài, trong khi nguồn vi-rút gây bệnh LSĐ vẫn còn tồn tại trên đồng ruộng nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), hiện nay rầy lưng trắng đã bắt đầu xuất hiện và sẽ nở rộ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, dự báo sẽ gây hại trên diện rộng ở nhiều diện tích lúa đại trà. Ở các huyện phía nam tỉnh, sâu cuốn lá nhỏ tập trung chủ yếu trên những diện tích lúa tốt sớm ở ven làng, ven thổ; mật độ sâu và mức độ gây hại có thể cao hơn cùng kỳ vụ trước do thời tiết thuận lợi. Lứa sâu này phát sinh rải rác, kéo dài và phân bố không đồng đều giữa các huyện, thành phố.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Giao Hương (Giao Thủy) phun trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa năm 2022.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Giao Hương (Giao Thủy) phun trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa năm 2022.

Do thời tiết nắng nóng, mưa kéo dài cùng với ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới là điều kiện thuận lợi để sâu rầy tăng nhanh mật độ, tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh LSĐ trên lúa, đồng thời làm các lứa rầy phát sinh sớm và diễn biến phức tạp. So với vụ mùa năm trước, rầy có mật độ cao gấp 5-7 lần, phổ biến là rầy trưởng thành và tuổi 1, 2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rầy xuất hiện với mật độ cao ở vụ mùa năm nay là do nguồn rầy tích lũy từ vụ xuân rất cao và lưu trú truyền sang vụ mùa cộng với thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp là điều kiện thuận lợi cho rầy sinh trưởng và phát triển mạnh. Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, từ cuối tháng 8 đến ngày 10-9 sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 cũng sẽ ra rộ. Sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại cục bộ trên lúa, ngô hè thu, tập trung tại các huyện: Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên...; mật độ nơi cao 2-5 con/m2, cá biệt 7-10 con/m2 và có khả năng vẫn tiếp tục gia tăng mật độ, gây hại mạnh cho các loại cây trồng trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, để đảm bảo kết quả cao trong sản xuất vụ mùa năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Nam Định; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thường xuyên giám sát, kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời diện tích lúa có mật độ sâu, rầy tới ngưỡng phòng trừ, tranh thủ thời tiết thuận lợi phun thuốc phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”. Tiếp tục tập trung phun trừ rầy lưng trắng, phòng ngừa bệnh LSĐ cho những diện tích lúa chưa phun hoặc phun xong gặp trời mưa. Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích có mật độ lớn hơn 30 con/m2 trở lên, trong đó chủ yếu ở những diện tích lúa tốt sớm, ven làng, ven thổ; tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đối với bệnh khô vằn, phát hiện và phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện; với sâu keo mùa thu trên lúa, ngô, tổ chức phun bằng thuốc hóa học khi mật độ sâu lớn hơn 4 con/m2, sâu tuổi nhỏ 1-3, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại thuốc. Trong thời gian 4 giờ sau phun nếu gặp trời mưa phải phun trừ lại. Tích cực đào bắt kết hợp với các loại bẫy để diệt chuột; tuyệt đối không sử dụng điện và các phương thức dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh LSĐ, thực hiện tốt việc thu thập mẫu rầy, mẫu lúa, giám định virus. Thường xuyên kiểm tra nhổ vùi dảnh, khóm lúa bị bệnh để hạn chế lây lan, phát tán nguồn bệnh LSĐ.

Đồng chí Trịnh Văn Mậu, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Ý Yên cho biết: Những ngày qua, huyện đang tích cực tổ chức tuyên truyền, phân công cán bộ xuống các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, giám sát phát hiện và tổ chức phun trừ ngay khi rầy xuất hiện; chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chuyên môn điều tra, phát hiện sớm rầy di trú sau vụ xuân, các lứa rầy phát sinh trong sản xuất vụ mùa; tham mưu các biện pháp chỉ đạo phòng, chống bệnh hiệu quả và kịp thời. Thông báo sớm kết quả điều tra, giám định vi-rút, đề xuất các biện pháp xử lý. Chủ động phòng, trừ lúa cỏ, cỏ dại và ốc bươu vàng theo Hướng dẫn số 206/HDCCTTBVTV ngày 20-6-2022 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; trong đó biện pháp phòng, trừ lúa cỏ cần áp dụng tổng hợp các biện pháp và thực hiện liên tục trong một số vụ sản xuất mới đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao.

Những ngày tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp là điều kiện để sâu, bệnh phát sinh, phát triển gây hại cho các loại cây trồng vụ mùa Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin, chủ động lách thời tiết bất thuận để phun trừ kịp thời, hiệu quả. Tổ chức rà soát, khoanh vùng, bao vây, khống chế nguồn bệnh không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, bảo vệ an toàn giàn lúa mùa và các loại cây màu hè thu./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202208/chu-dong-phong-tru-sau-benh-bao-ve-lua-mau-2552605/