Thủ tướng: Khẩn trương nghiên cứu phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng cho công trình hạ tầng

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia; ưu tiên ngân sách cho các dự án kết nối, liên vùng, quốc gia

Không có lý do gì không phân cấp, phân quyền, xóa cơ chế xin cho

Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.

Cùng tham dự phiên họp có các ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Phó thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp (Ảnh: VGP).

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93%, TP.HCM đóng góp 25,45%.

Thủ tướng cũng ghi nhận sự nỗ lực, chia sẻ khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương, nhất là Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng trong quá trình khắc phục hậu quả bão số 3.

Một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng nỗ lực lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông; các tỉnh đạt tăng trưởng trên 10% như Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa và đặc biệt là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Phân tích tình hình trong và ngoài nước thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta xác định có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, tạo đà cho năm 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

"Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền, không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết", Thủ tướng phát biểu.

Phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia

Trong 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đáng chú ý, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2026 và chi đầu tư ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VGP).

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VGP).

Trong đó, ông lưu ý cần ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tính kết nối, lan tỏa liên vùng, quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng.

Cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang (Ảnh minh họa).

Cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang (Ảnh minh họa).

Đi vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết, Thủ tướng đề nghị các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt lưu ý tập trung ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.

Không để thiếu lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, nước, thuốc, vật tư y tế, các vật tư đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội chuẩn bị kỹ các luật, nghị quyết trình Quốc hội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, vừa quản lý được, vừa kiến tạo phát triển, huy động mọi nguồn lực phát triển.

Hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, triển khai gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội và hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-khan-truong-nghien-cuu-phat-hanh-them-100-nghin-ty-dong-cho-cong-trinh-ha-tang-192241007134548188.htm