Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân

Để hoàn thành mục tiêu sản lượng lúa vụ đông xuân, bên cạnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các khâu kỹ thuật như thời vụ gieo sạ, cơ cấu giống, điều tiết nước, kỹ thuật chăm sóc, thì việc phát hiện và phòng trừ kịp thời, hiệu quả sâu bệnh gây hại đóng vai trò quan trọng.

Nông dân xã Hòa An (huyện Phú Hòa) dùng bao vây quanh ruộng để tránh chuột xâm nhập phá lúa. Ảnh: NGỌC HÂN

Nông dân xã Hòa An (huyện Phú Hòa) dùng bao vây quanh ruộng để tránh chuột xâm nhập phá lúa. Ảnh: NGỌC HÂN

Thời điểm này, lúa đông xuân đang trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh, nhưng do ảnh hưởng thời tiết nên rất dễ nhiễm bệnh bọ trĩ, sâu cuốn lá, chuột và ốc bươu vàng gây hại. Để đảm bảo cho lúa sinh trưởng, phát triển, các địa phương cần chủ động theo dõi và phòng trừ sâu bệnh.

Chut, sâu bnh hoành hành

Vụ đông xuân 2025, ông Bùi Văn Ân ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) gieo sạ gần 1ha lúa. Qua thăm đồng, ông phát hiện ruộng lúa của gia đình bị chuột cắn phá, ốc bươu vàng gây hại nhẹ khiến ông hết sức lo lắng. Theo ông Ân, nguyên nhân khiến chuột gia tăng có thể do thời tiết, thức ăn đa dạng, việc đưa xuống ruộng nhiều giống lúa, trong đó có giống lúa chất lượng cao như giống gạo thơm cũng thu hút hơn.

“Để chủ động phòng chống tình trạng chuột phá lúa, ông tiến hành tìm bắt chuột theo phương pháp thủ công, dùng bao vây quanh ruộng và căng dây thép bẫy chuột. Ngoài ra, ông còn dùng thuốc để diệt chuột, trị ốc bươu vàng và bệnh bọ trĩ nhằm giúp cây lúa phát triển tốt. Hy vọng cuối vụ thu hoạch, lúa đạt năng suất từ 70-85 tạ/ha”, ông Ân nói.

Tình trạng chuột phá lúa cũng diễn ra tại các huyện Tuy An, Tây Hòa, Sông Hinh, TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa. Theo nhiều người dân, năm 2024 do không lụt lớn nên chuột sinh sản nhanh ở hầu khắp cánh đồng, cắn phá lúa đang trong giai đoạn phát triển.

Bà Đặng Thị Phin ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) cho biết: Chuột cắn phá nhiều diện tích lúa của gia đình bà. Thời gian đầu, bà dùng bao ni lông cắm trên ruộng để chuột sợ không vào phá lúa, nhưng sau đó chuột vẫn tràn vào. Nhiều luống lúa giai đoạn đẻ nhánh bị chuột cắn phá dẫn đến đứt gốc, chết cây. Không chỉ chuột, ốc bươu vàng cũng gây hại. Vì vậy, mấy ngày nay, vợ chồng bà phải thay phiên nhau ra đồng thăm ruộng, tìm mọi cách diệt chuột, bắt ốc để giảm thiểu thiệt hại năng suất lúa.

Mấy ngày nay, ông Dương Công Toản ở phường Xuân Phú (TX Sông Cầu) cũng đứng ngồi không yên khi mấy sào lúa của gia đình bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại. Ông đã thực hiện nhiều biện pháp theo kinh nghiệm và hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật, nhưng sâu bệnh vẫn chưa giảm nhiều. Ông Toản lo lắng nói: Nếu không sử dụng thuốc trừ sâu liên tục thì sâu bệnh khó giảm, thậm chí lây lan; còn lạm dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, sản phẩm mất an toàn.

Ngăn chn lây lan

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 26.600ha lúa. Hiện cây lúa trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh đang bị các tác nhân gây hại. Trong đó, chuột gây hại tổng diện tích hơn 311ha, ốc bươu vàng gây hại 50ha, bọ trĩ gây hại 88ha, sâu cuốn lá nhỏ và tuyến trùng rễ gây hại 6ha… Nhìn chung, diện tích bị các tác nhân gây hại tăng so với kỳ trước.

Tại huyện Tây Hòa, qua theo dõi phát hiện chuột xuất hiện, gây hại rải rác dưới mức nhiễm 250ha và bọ trĩ gây hại 85ha, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động theo dõi đồng ruộng để kịp thời xử lý và hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa cho biết: Kinh nghiệm qua các năm, nếu không diệt chuột từ đầu vụ thì chuột sinh sản nhanh, cắn phá khi cây lúa vừa ra lá non. Vì vậy ngay từ đầu vụ, huyện đã chủ động triển khai chiến dịch diệt chuột; hướng dẫn nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón ruộng, cải tạo độ phì nhiêu của đất. Khi thấy bệnh phát sinh, nông dân cần giữ nước trong ruộng, khoanh vùng những ruộng có tỉ lệ bệnh cao; huy động lực lượng phun trừ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng loại, đúng cách, đúng lượng) bằng các loại thuốc đặc hiệu trừ bệnh.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng: Tình trạng sâu bệnh phát tán trên lúa đông xuân như hiện nay, ngoài những nguyên nhân khách quan thì công tác quản lý đồng ruộng ở nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện tốt. Việc phòng trừ dịch bệnh không kịp thời và nhất là việc sử dụng phân bón hóa học không tuân thủ hướng dẫn, dùng quá đạm khiến cây xanh tốt và mỏng lá, sức chống đỡ kém… sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt lúa.

Theo ông Minh, để quản lý tốt dịch bệnh, chi cục đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương chăm sóc và phòng chống sinh vật gây hại cây trồng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo, khi phun thuốc trừ sâu bệnh, nông dân không nên pha trộn với các loại phân bón lá nhằm hạn chế bệnh bộc phát. Khi sử dụng thuốc hóa học, nông dân nên phun luân phiên các loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn như: Beam 75 WP, Filia 525 SE, Flash 75 WP… tránh sử dụng liên tục một loại thuốc sẽ làm cho bệnh kháng thuốc.

Để nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, các địa phương cần thông tin kịp thời về tình hình sinh vật gây hại tại khu vực cụ thể để nông dân biết, có biện pháp phòng trừ. Trong những trường hợp cần thiết, các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh, tránh lây lan bùng phát trên diện rộng.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/325030/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-lua-dong-xuan.html