Chủ động phương án chống hạn cho cây lúa

Nắng nóng kéo dài đã và đang khiến hàng trăm hecta cây trồng ở tỉnh Kon Tum khô hạn dẫn tới nguy cơ giảm năng suất, mất trắng, đặc biệt là diện tích lúa vụ Đông Xuân. Trước tình hình đó, ngành chức năng cùng người dân đang nỗ lực chống hạn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, đến ngày 28/3 đã có hơn 408 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn, chủ yếu là diện tích lúa vụ Đông Xuân; trong đó, thành phố Kon Tum có hơn 59 ha, huyện Đăk Hà hơn 85 ha, huyện Đăk Tô hơn 3 ha, Ngọc Hồi hơn 15 ha, Kon Rẫy hơn 15 ha, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi có 83 ha.

Ghi nhận thực tế, hiện tại mực nước tại các sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuống ở mực nước chết. Nhiều trạm bơm công suất lớn đặt ở các nhánh sông đã không thể vận hành do mực nước sông xuống thấp hơn cửa nhận nước.

Cùng với đó, các hồ chứa Đăk Loy (xã Đăk Cấm), hồ chứa Tân Điền (xã Đoàn Kết) đều đã cạn nước, công trình hồ chứa C19 (huyện Đăk Tô) có mực nước hồ thấp hơn cao trình đáy cống lấy nước. Ngoài ra, có 6/97 công trình đập dâng không duy trì được nguồn nước để phục vụ tưới như đập Đăk Xe (huyện Đăk Hà), đập Đăk Hlang, đập Đăk Wan, đập Đăk Ngao 1, đập Ba Rgốc (huyện Sa Thầy) và 35 công trình nguồn nước thấp hơn ngưỡng tràn.

Ông Lê Việt Hùng (thôn 4, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy hạn đến sớm như thế này. Suốt từ tháng 8 âm đến giờ không có mưa nên các đập không có nước để phục vụ cho tưới tiêu".

Trước tình hình này, nhiều đơn vị, người dân đã chủ động triển khai nhiều phương án cứu hạn cho diện tích lúa. Các máy bơm dã chiến đã được huy động đến các “điểm nóng” khô hạn triển khai bơm nước 24/24h.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý Công trình-Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum: Để chống hạn cho diện tích lúa mà Ban Quản lý đã trực tiếp ký hợp đồng đã triển khai đặt 3 máy bơm ở 3 công trình gồm: Trạm bơm Đăk Lấc, hồ chứa Tân Điền, Đăk Loy để bơm lên kênh chính dẫn về các ruộng lúa.

Đối với các diện tích lúa ở quá xa so với nguồn nước, Ban Quản lý đã đặt máy bơm ở các suối tự nhiên bơm dẫn theo đường ống hoặc dùng máy đào, đào các kênh dẫn phục vụ tưới tiêu cho bà con. Hiện nay, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã đặt bơm tưới chống hạn được 76,5 ha của 2 hồ chứa Đăk Loy, xã Đăk cấm và Hồ chứa Tân Điền xã Đoàn Kết.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng đã chủ động được phương án cứu hạn cho cây lúa, không phụ thuộc vào các máy bơm dã chiến của ngành chức năng.

Ông Trịnh Xuân Tính (thôn 2, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Diện tích lúa của gia đình cũng đang thiếu nước nên đang sử dụng máy bơm của gia đình rồi kéo điện để bơm nước tưới. Bởi theo ông Trịnh Xuân Tính, các gia đình ở gần nguồn nước cần chủ động sẽ tốt hơn vì máy bơm của đơn vị chức năng phải nhường để bơm cứu lúa cho những diện tích ở xa nguồn nước.

Theo dự báo của ngành chức năng, trước tình hình nắng nóng vẫn còn tiếp diễn, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ có khoảng 1.239 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn; trong đó bao gồm diện tích lúa và cây công nghiệp, ao nuôi cá như tại thành phố Kon Tum hơn 160,88 ha; Đăk Hà có hơn 217 ha; Đăk Tô hơn 114 ha; Ngọc Hồi có 207,9 ha và Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum có 274,8 ha.

Quang Thái (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/chu-dong-phuong-an-chong-han-cho-cay-lua-20200328173528120.htm