Chủ động phương án ứng phó thiên tai theo từng tình huống
ĐBP - Hàng năm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các hiện tượng thiên tai như: Lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc, mưa đá, rét hại, hạn hán... gây thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất và tính mạng con người. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu, ngay từ đầu năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã xây dựng và triển khai các phương án; trong đó, chú trọng xây dựng phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn, không để bị động, bất ngờ.
Công nhân Công ty Cổ phần Đường bộ II khắc phục điểm sạt lở đất trên tuyến quốc lộ 4H. Ảnh tư liệu
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, thiên tai trên địa bàn đã làm 64 người chết, 80 người bị thương; 14.090 nhà ở bị thiệt hại; trên 30.000ha lúa bị thiệt hại; trên 20.000 con gia súc, gia cầm các loại bị chết; hàng triệu mét khối đất đá sạt lở lấp đường gây ách tắc giao thông… ước tính thiệt hại trên 1.900 tỷ đồng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, căn cứ vào các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thường xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp trên địa bàn tỉnh đưa ra các biện pháp ứng phó như: Ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa hoặc dòng chảy; ứng phó với hạn hán; ứng phó với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá…
Điển hình, biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa hoặc dòng chảy, trước hết chủ động sơ tán người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp; thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất; kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, suối; các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở đất; bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai.
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay công tác phòng, chống thiên tai đã được các cấp, ngành chủ động. Như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn, huy động 14 lượt cán bộ thường trực, 55 lượt dân quân tự vệ, 50 cán bộ ban, ngành, đoàn thể xuống địa bàn phối hợp với nhân dân địa phương tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai. Cùng với công tác khắc phục, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại xây dựng kế hoạch và chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết: thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, hóa chất khử khuẩn... để đáp ứng kịp thời khi xảy ra thiên tai và đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương án được phê duyệt, sẵn sàng huy động đưa vào sử dụng khi cần; tổ chức phân bố hợp lý xuống các địa bàn, sẵn sàng phục vụ trong mọi điều kiện thời tiết. Đến nay các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa trị giá gần 30 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu như: Mì ăn liền, gạo, nước uống đóng chai… xăng E5, dầu diesel dự trữ 600m3, dầu hỏa 10m3, tôn lợp 2.000 tấm, đinh vít 1 tấn, dây thép 2 ly 9 tấn…
Với sự chuẩn bị chu đáo, phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19, sự đồng sức đồng lòng, hợp đồng tác chiến chặt chẽ, chủ động của các cấp, các ngành và người dân sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.