Chủ động phương án ứng phó trước nguy cơ cháy rừng cao
Thời tiết hanh khô kéo dài, nhiều tháng không có mưa lớn, khiến nhiều diện tích rừng tại tỉnh Lạng Sơn đang ở mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm (cấp IV).

Vụ cháy tại khu vực đồi trồng cây ở thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn ngay cạnh đồi cây bạch đàn và cây thông đang cho khai thác nhưng rất may được dập tắt kịp thời khi chưa cháy lan sang diện tích cây trồng.
Chính quyền, lực lượng chức năng địa phương đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp với phương châm chủ động, phòng cháy là chính...
Xảy ra nhiều điểm cháy
Chiều 23/3/2025 vừa qua, tại khu vực đồi trồng cây ở thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn đã xảy ra vụ cháy. Lửa và khói bốc cao trong đêm khiến cả khu vực này sáng rực. Lực lượng chức năng, nhân dân địa phương đã tổ chức lực lượng dập lửa và đã dập tắt hoàn toàn đám cháy trước khi trời sáng. Ngay chiều hôm sau (24/3), tại khu vực đồi ở thôn Trung Cấp, xã Mai Pha, người dân lại phát hiện đám cháy lớn ở giữa đồi cây. Rất may đám cháy này cũng được dập tắt kịp thời.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hiện trường vụ cháy ở thôn Khòn Pát cho thấy, một phần diện tích khá rộng bị lửa thiêu rụi các loại cây bụi và thảm thực bì. Hơi nóng cũng đã làm héo, khô và táp lá, ngọn một số cây trồng rải rác tại khu vực này. Rất may, ngọn lửa được khống chế, dập tắt khi chưa cháy lan sang diện tích cây bạch đàn và đồi thông của các hộ dân cách điểm cháy không xa.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cháy ở khu vực này vẫn khá cao do người dân địa phương để một số ngôi mộ rải rác trong khu vực đồi trồng cây. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, thảm thực bì tại khu vực đồi cây khá dày. Cây cỏ, thực bì dưới gốc cây trồng đã khô lâu ngày, rất dễ bắt lửa, nếu người dân không dọn sạch khu vực xung quanh các ngôi mộ, cách xa vườn cây cũng như đảm bảo các quy định về an toàn phòng cháy trước khi thắp hương...
Chị Hoàng Thị Thuần, chủ rừng ở thôn Khòn Pát, xã Mai Pha cho hay, gia đình có khoảng 18.000 m2 đồi trồng cây thông hơn 20 năm và một số cây trồng khác. Vụ cháy được dập tắt sớm nên mới chỉ cháy lớp thực bì dưới gốc cây và cháy cây bụi của một phần nhỏ diện tích đất đồi của gia đình. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây cháy.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2025 đến ngày 26/3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 điểm cháy; trong đó có 4 điểm cháy gây thiệt hại về rừng là: 1 điểm cháy tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn; 1 điểm cháy tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình; 1 điểm cháy tại xã Gia Cát và 1 điểm cháy tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc. Diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng trên 5,5 ha rừng trồng. Còn lại, 23 điểm cháy khác, gây ảnh hưởng đến 44,9 ha trên địa bàn các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng, Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn, nhưng chỉ là trảng cỏ, cây bụi, lau lách trên các đồi, núi đá, không thiệt hại về rừng.
Nguy cơ cháy rừng cao

Vụ cháy tại khu vực đồi trồng cây ở thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chiều 23/3/2025 thiêu rụi cây bụi và thảm thực bì.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết, diện tích đất có rừng của tỉnh Lạng Sơn là hơn 580.280 ha; trong đó, rừng tự nhiên trên 257.875 ha; rừng trồng hơn 322.404 ha. Diện tích đã trồng cây rừng song chưa thành rừng trên 47.294 ha. Tổng diện tích đất có rừng đủ tiêu chí tính độ che phủ rừng, bao gồm cả rừng ngoài quy hoạch hơn 532.985 ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 64% (số liệu tính tại thời điểm 31/12/2024).
Lạng Sơn là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước; trong đó, trên 235.000 ha diện tích rừng trồng các loại cây dễ cháy như: Cây thông, keo, bạch đàn. Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, phức tạp do tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nhiệt độ không khí tăng lên, kèm theo đó là sự gia tăng mức độ hạn hán, khô hạn cục bộ ở một số nơi, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Đặc biệt, từ khoảng tháng 9/2024 đến nay, trên địa bàn Lạng Sơn gần như không có mưa lớn kéo dài, dẫn đến tình trạng khô hanh càng trở nên gay gắt. Nhiều diện tích rừng tại địa phương này đang ở mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm. Ngoài ra, thời điểm đầu năm mới, người dân thường tiến hành dọn dẹp, đốt thực bì để trồng rừng mới bổ sung cũng gia tăng nguy cơ cháy rừng...
Trước thực tế đó, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành quy định cấp dự báo cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành phương án huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố cũng đã xây dựng và phê duyệt phương án huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng cấp huyện; chỉ đạo UBND cấp xã, thôn, bản xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng thôn, bản.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành công văn tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm yêu cầu, Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ rừng về phòng cháy, chữa cháy rừng; khuyến cáo các hộ dân, chủ rừng không được tự ý sử dụng lửa, đốt thảm thực bì khi điều kiện không an toàn.
Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống cháy rừng; ký quy chế phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Lạng Sơn) trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Các địa phương, cơ quan chức năng tổ chức cho hơn 65.000 chủ rừng cá nhân và 22 chủ rừng là tổ chức ký cam kết tham gia bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng...
Hệ thống cảnh báo cháy rừng của Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cảnh báo, diện tích rừng ở các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Cao Lộc, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan, Chi Lăng, Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) nằm trong tổng số 119 khu vực thuộc diện cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ.