Rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng
Là tỉnh có diện tích đất rừng lớn, Điện Biên đã triển khai thực hiện các chính sách, tạo điều kiện để người dân giữ rừng, hưởng lợi từ rừng. Nhờ vậy, từ tháng 11/2024 đến cuối tháng 3/2025 toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào nghiêm trọng nhưng 3 tháng đầu năm phát hiện 195 vụ phá rừng trái pháp luật. Nguyên nhân một phần đến từ phong tục, tập quán, sản xuất trên nương và cả sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé thả 2 cá thể khỉ vàng vào rừng. Ảnh: Văn Nguyện
Diện tích đất có rừng toàn tỉnh là hơn 426.378ha với tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,69%. Rừng tự nhiên hơn 419.539ha; rừng trồng đã thành rừng là 6.839ha với hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch lâm nghiệp với diện tích 592.000ha, chiếm 62% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Thực tế, sau thời gian dài sụt giảm diện tích rừng, khoảng chục năm trở lại đây, rừng trên địa bàn tỉnh dần phục hồi và được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Đó là nỗ lực rất lớn của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, Điện Biên là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tập quán sản xuất trên đất dốc, canh tác trên nương, làm nhà bằng gỗ, sử dụng củi làm chất đốt, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp, công nghiệp... Thói quen, nếp sống đó đã ảnh hưởng lớn tới đất lâm nghiệp. Không ít vụ phá rừng được người dân lấy lý do là đất nương của gia đình đã canh tác trước đây, do cằn cỗi nên chuyển sang khu vực khác canh tác. Việc giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ không rõ ràng dễ dẫn tới các vụ việc vi phạm, lấn chiếm đất rừng.
Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; coi đó là nhiệm vụ của kiểm lâm và cơ quan chức năng. Diện tích rừng giao cho UBND cấp xã quản lý còn nhiều, không khoán lại cho người dân, cộng đồng, cũng không tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng thường xuyên. Các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ gia đình, cá nhân thiếu năng lực, trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, thậm chí phá rừng đã giao để làm nương. Ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân chưa cao dù đã được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp. Việc xử lý các vụ vi phạm đất rừng chưa nghiêm, thiếu tính răn đe khiến tình trạng người dân không sợ, tiếp tục phá rừng. Ngay tại địa bàn huyện Điện Biên, một số vụ phá rừng xảy ra từ năm trước không được chỉ đạo xử lý hoặc xử lý không quyết liệt, không xác định được đối tượng vi phạm dẫn đến hệ lụy người dân tiếp tục phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Lực lượng liên ngành nghỉ giải lao trên đường tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: CTV
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, số vụ phá rừng trái pháp luật 3 tháng đầu năm tăng 113 vụ so với cùng kỳ năm trước, thiệt hại 63,77ha rừng; tập trung tại địa bàn: Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Điện Biên. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 173 vụ còn 22 vụ chuyển xử lý hình sự. Một vấn đề lo ngại là có 19 trong số 22 vụ phá rừng xử lý hình sự không xác định được đối tượng vi phạm. Khi đối tượng vi phạm không xác định được sẽ không xử lý được vụ việc khiến người dân không sợ. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, thậm chí canh tác chồng lấn vào diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng vẫn xảy ra.
Thực tế, việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có vai trò lớn của lực lượng kiểm lâm tham mưu, đề xuất giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân. Đồng thời, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng của đại diện cộng đồng thôn, bản, các chủ rừng. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần rất lớn vào việc huy động người dân tham gia bảo vệ rừng để hưởng lợi từ rừng. Song các vụ việc vi phạm đất rừng, đất lâm nghiệp cần được xử lý nghiêm để người dân biết sợ, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đất rừng đã có và cần được phổ biến, tuyên truyền tới người dân; áp dụng đối với các vụ phá rừng. Ngày 4/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với từng trường hợp sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp bị phạt tiền từ 2 - 30 triệu đồng, tùy theo diện tích vi phạm. Việc chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 3 - 150 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi lấn đất, chiếm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất bị phạt tới 400 triệu đồng...

Tuyên truyền quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Ảnh: Tẩn Láo Sử
Theo Nghị định 123 của Chính phủ, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm đất rừng, lấn chiếm đất rừng, chuyển đổi đất rừng không đúng quy định đã rõ ràng. Với Điện Biên, diện tích rừng lớn, lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ rừng là kiểm lâm lại mỏng cần sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các chủ rừng thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Khẩn trương xác minh làm rõ, xử lý nghiêm minh đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tăng cường xét xử lưu động để răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm.
Khi các vụ phá rừng bị xử lý nghiêm minh, mỗi người dân sẽ thấy sợ và tự ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.