Chủ động quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển mùa du lịch

Hạt Kiểm lâm ven biển được giao quản lý, bảo vệ 1.977,6 ha rừng tại các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn. Hầu hết diện tích đơn vị quản lý, bảo vệ chủ yếu là rừng thông, phi lao trên địa bàn các huyện, thành phố trọng điểm về cháy rừng. Thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm mùa du lịch sôi động, việc bảo vệ diện tích rừng gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm ven biển kiểm tra công tác PCCCR đặc dụng tại TP Sầm Sơn.

Để bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, ngay từ đầu năm 2023, Hạt Kiểm lâm ven biển và cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành liên quan, chủ rừng và người dân trên địa bàn đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Hạt Kiểm lâm ven biển đã chỉ đạo kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã, phường tham mưu cho các cấp chính quyền các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và TP Sầm Sơn xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý BVR, phương án BVR vùng trọng điểm, phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm, tập trung chỉ đạo công tác BVR, PCCCR. Nhờ đó, các xã, phường đã tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tăng cường củng cố lực lượng đủ mạnh, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt về BVR, PCCCR. Ngoài ra, kiểm lâm viên địa bàn đã tham mưu cho các địa phương đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật BV&PTR, đã nâng cao ý thức chủ động của người dân và du khách trên địa bàn trong chủ động giữ rừng và phát triển rừng.

Điển hình như huyện Hoằng Hóa có 1.469,89 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 1.134,98 ha rừng. Rừng nơi đây chủ yếu là rừng trồng phòng hộ với các loài cây như thông, keo, bạch đàn, phi lao. Cùng với khảo sát, khoanh vùng 406 ha rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa nắng nóng và xác định rõ nguyên nhân gây cháy, Hạt Kiểm lâm ven biển đã chỉ đạo kiểm lâm viên phụ trách địa bàn tham mưu cho các cấp chính quyền huyện Hoằng Hóa xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý BVR, phương án BVR vùng trọng điểm, phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép vào hội nghị của xã, thôn; thành lập các tổ tuyên truyền trực tiếp tại hiện trường,... UBND các xã có rừng đã đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật BV&PTR, nâng cao ý thức chủ động của người dân trên địa bàn trong chủ động giữ rừng và phát triển rừng; chuẩn bị thiết bị và dụng cụ, máy móc chuyên dụng các loại phục vụ PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ công tác thường trực của UBND huyện đã thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày kịp tham mưu cho Ban chỉ đạo kế hoạch BV&PTR huyện ra thông báo tình hình thời tiết, cấp cháy rừng đến cấp xã, các phòng, đơn vị liên quan và người dân trên địa bàn, để khi tình huống xấu xảy ra chủ động tác chiến với cơ sở, dập lửa, BVR. Trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, một số xã có diện tích rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa nắng nóng đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ xã, các đoàn thể và các đơn vị liên quan trên địa bàn phát dọn thực bì được 79,3 ha; làm mới đường băng cản lửa kết hợp đường tuần tra BVR dài 2,8 km nhằm hạn chế nguy cơ gây cháy rừng...

Trao đổi với chúng tôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm ven biển Mai Ngọc Nhuần, cho biết: Hạt Kiểm lâm ven biển đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, BV&PTR. Triển khai thực hiện các giải pháp chủ động trong công tác BVR, PCCCR. Xác định rõ nguyên nhân chính, đề ra các giải pháp trọng tâm, cụ thể để thực hiện. Trong đó, nổi bật là tham mưu cho đảng ủy các xã, thị trấn ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR. Với phương châm phòng là chính, chữa cháy rừng khẩn trương, kịp thời, triệt để, hành động cương quyết, dứt khoát, xử lý chính xác các tình huống khi xảy ra cháy rừng, hạn chế khả năng bén lửa của vật liệu cháy, không để cháy lan rộng, tổ công tác thường trực của Hạt Kiểm lâm ven biển đã thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày kịp tham mưu cho ban chỉ đạo các huyện, thị xã ra thông báo tình hình thời tiết, cấp cháy rừng đến các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn, để khi tình huống xấu xảy ra chủ động tác chiến với cơ sở, dập lửa, BVR.

Các tháng đầu năm 2023, Hạt Kiểm lâm ven biển đã khảo sát thực tế, khoanh vùng gần 618 ha rừng có nguy cơ cháy cao. Cụ thể như huyện Quảng Xương có gần 135 ha; huyện Hoằng Hóa có 406 ha, tập trung tại các xã: Hoằng Xuân, Hoằng Hải, Hoằng Yến, Hoằng Trinh, Hoằng Trung, Hoằng Trường; TP Sầm Sơn có gần 77 ha, tập trung tại khu vực núi Trường Lệ, phường Trường Sơn. Chi cục Kiểm lâm đã cấp phát cho hạt nhiều dụng cụ phục vụ PCCCR như máy thổi gió, cưa xăng,... Chính quyền các cấp trên địa bàn đã chuẩn bị được nhiều thiết bị và dụng cụ các loại, trong đó có nhiều máy móc chuyên dụng và phương tiện cơ giới phục vụ công tác bảo vệ và PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Hạt Kiểm lâm ven biển đã xác định rõ nguyên nhân gây cháy, xây dựng phương án PCCCR chi tiết, cụ thể, phù hợp thực tế cho từng khu rừng, được Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá có hiệu quả cao. Hạt kiểm lâm và các cấp, các ngành chức năng, chủ rừng trên địa bàn đã chủ động thực hiện phát dọn đốt trước vật liệu cháy có điều khiển dưới tán rừng thông khu vực có nguy cơ cháy cao. Theo đánh giá của hạt kiểm lâm, thực hiện phương pháp đốt trước vật liệu cháy có điều khiển không những chi phí thấp mà mang lại hiệu quả cao. Qua kiểm tra đánh giá, sau khi đốt trước đã làm giảm từ 70 - 85% vật liệu cháy, từ đó giảm nguy cơ cháy rừng.

Trong mùa nắng nóng, nhất là thời điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5 với lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ mát tại TP Sầm Sơn và Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hạt Kiểm lâm ven biển đã tăng cường chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan, thường xuyên tuần tra, kiểm tra BVR; tuyên truyền để người dân, du khách ở các đền chùa, nơi thờ cúng tâm linh như: đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, Hòn Trống Mái,... các điểm vui chơi, giải trí, nơi tổ chức cắm trại hè,... sử dụng lửa đúng quy định, không bẻ cành, chặt phá cây rừng... Đối với khu rừng đặc dụng trên dãy núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn) có hơn 300 cây gỗ sưa, kiểm lâm viên địa bàn đã phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn TP Sầm Sơn thường xuyên tuần tra tuyên truyền cho người dân trong khu vực và du khách tự giác thực hiện nghiêm các quy định về BVR, PCCCR; kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp. Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích rừng hiện có của 2 huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn được bảo vệ an toàn, phát triển tốt. An ninh rừng trên địa bàn ổn định, không để xảy ra cháy rừng và khai thác rừng trái phép.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chu-dong-quan-ly-bao-ve-rung-phong-ho-ven-bien-mua-du-lich/184861.htm