Chủ động quản lý rác thải nhựa đại dương
Trong thời gian qua, các địa phương ven biển của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi việc xả rác thải nhựa ra biển từ các nguồn thải trên đất liền và từ các nguồn thải trên biển.
Đông đảo đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp Nhân dân tham gia dọn rác thải khu vực cửa biển phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn).
Lâu nay, tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương ven biển vẫn còn xảy ra. Cùng với đó là nước thải, dầu nhớt thải, rác thải rắn từ các tàu thuyền neo đậu tại cảng cá, bến cá (thùng xốp, ngư lưới cụ hư hỏng, vật dụng sinh hoạt của ngư dân...), sinh hoạt của các hộ dân xung quanh khu vực này, thải đổ không có sự kiểm soát môi trường biển.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường, ngày 16-3-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 50% các khu điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển; khu bảo tồn biển Hòn Mê không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Quan trắc định kỳ 2 năm/lần hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn. Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 75% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển. Quan trắc hàng năm hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.
Hiện, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển đang tích cực phối hợp tổ chức điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước và có biện pháp xử lý vi phạm từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp, nhất là tại vùng ven biển, cửa sông, vùng biển ven bờ. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ làm thất lạc ngư cụ khai thác hải sản, đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người, thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6, Ngày Đại dương thế giới 8-6, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn để các tổ chức, doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân biết và tham gia các hoạt động. Tổ chức thực hiện các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tại các xã, phường ven biển tối thiểu một năm hai lần. Bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường tại các khu vực ven biển.