Chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) quốc gia tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự (TT) ATGT quý II và nhiệm vụ, giải pháp quý III/2024, diễn ra sáng nay, 12/7.

Tham dự tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban ATGT tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình TTATGT về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông (TNGT) được kéo giảm về số người chết so với cùng kỳ năm 2023. Tình trạng ùn tắc giao thông được hạn chế. Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu.

Toàn quốc xảy ra 12.350 vụ TNGT (tăng 1.665 vụ so với cùng kỳ năm 2023), làm chết 5.343 người (giảm 634 người), bị thương 9.552 người (tăng 2.426 người). Cụ thể, TNGT đường bộ xảy ra 12.257 vụ, làm chết 5.280 người, bị thương 9.536 người; đường sắt xảy ra 66 vụ, làm chết 48 người, bị thương 11 người; đường thủy 27 vụ, làm chết 15 người, 5 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý hơn 2,1 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 4.052 tỷ đồng. Cơ quan chức năng khởi tố 2.859 vụ, 2.950 bị can liên quan đến hành vi vi phạm TTATGT.

Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại hội nghị (ảnh chụp qua màn hình).

Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại hội nghị (ảnh chụp qua màn hình).

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (9 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; số vụ và số người bị thương tăng 15,58% số vụ, tăng 34% số người bị thương; tình trạng đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố; hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT gia tăng (xảy ra 78 vụ, làm 27 đồng chí bị thương).

Nguyên nhân là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo; công tác quản lý nhà nước liên quan đến bảo đảm ATGT còn bất cập, có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm ATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục "điểm đen" về TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Thời gian tới, để tiếp tục kiềm chế và kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, các đơn vị, địa phương cần tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu giải quyết các vấn đề nổi cộm trong bảo đảm TTATGT, đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn; tổ chức các chiến dịch truyền thông kết hợp với cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý hành vi vi phạm, ngăn chặn tình trạng giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông; rà soát, xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh. Lực lượng chức năng sử dụng triệt để các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để ghi hình, phát hiện, xử lý vi phạm; tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, trong đó đẩy mạnh kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng, cơi nới thành, thùng xe.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho người dân; quản lý tốt các phương tiện giao thông; quan tâm, cải thiện, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Các địa phương, đơn vị cần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động và phối hợp tốt hơn nữa trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Lực lượng chức năng tích cực tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; đồng thời, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về ATGT.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202407/chu-dong-quyet-liet-trien-khai-cac-giai-phap-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-2219470/