Chủ động rà soát, kịp thời tham mưu, triển khai đồng bộ các giải pháp

Từ năm 2014 đến 2020, trên địa bàn Quân khu 9 có 264 trường hợp quân nhân xuất ngũ (làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia) bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần được cấp giấy chứng nhận bệnh binh.

Đây là đối tượng người có công được hưởng chế độ theo quy định mới mà trước năm 2013 (khi chưa có Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ và Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7-11-2013 của Bộ Quốc phòng), đối tượng này chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Tìm hiểu thực tế tại các đơn vị thuộc Quân khu 9, chúng tôi được biết, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang là đơn vị dẫn đầu trên địa bàn về thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 202/2013/TT-BQP của Bộ Quốc phòng. Có được kết quả như vậy vì ngay từ năm 2010, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế, sau khi xuất ngũ một thời gian thì phát bệnh tâm thần, không kiểm soát được hành vi và dễ bị kích động. Theo chẩn đoán, các vấn đề về tâm lý, thần kinh phần lớn là do hậu quả của bệnh sốt rét. Qua khảo sát, hàng trăm trường hợp ghi nhận nhưng đều đáng tiếc là không có cơ sở để đề nghị giải quyết chế độ, chính sách.

Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh trao quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh cho quân nhân xuất ngũ bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần.

Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh trao quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh cho quân nhân xuất ngũ bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần.

Đến bây giờ, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, phụ trách công tác chính sách của Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhớ như in những chuyến tham gia đoàn công tác cùng người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đến thăm hỏi các quân nhân xuất ngũ bị bệnh tâm thần. Có trường hợp đoàn khách vừa tới đầu ngõ đã giật mình nghe tiếng hô "xung phong" từ phía mương nước. Ngay sau đó là bóng người chạy vụt qua, tay cầm khẩu súng làm từ bắp dừa nước. Có trường hợp khách vào nhà mà không thấy chủ nhà đâu, nhà cửa thì trống huơ trống hoác, hàng xóm nói lại là chủ nhà đã bỏ đi lang thang. Lại có trường hợp quân nhân xuất ngũ, cưới vợ sinh con nhưng chỉ có mẹ già chăm sóc, chỉ có mẹ mới đủ sức chịu đựng những hành vi mất kiểm soát của con... Được trực tiếp chứng kiến và nghe báo cáo đầy đủ, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh và các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang lúc bấy giờ đi đến thống nhất, phải chủ động nghiên cứu, tham mưu với các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện chính sách hậu phương quân đội, nhất là với đối tượng quân nhân xuất ngũ bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần.

Ngay sau khi Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 202/2013/TT-BQP của Bộ Quốc phòng được ban hành, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt triển khai với quyết tâm cao nhất. Một trong những việc đầu tiên là tham mưu cho UBND tỉnh thành lập hội đồng giám định các cấp (từ cấp xã đến cấp tỉnh) để giúp quân nhân xuất ngũ mất trí nhớ, không còn giấy tờ chứng minh củng cố hồ sơ, thủ tục theo quy định. Đại tá Cao Văn Mĩa, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang nhớ lại: Theo quy định, để làm cơ sở cho việc giám định, Hội đồng Giám định y khoa bệnh tâm thần phía Nam yêu cầu phải đưa quân nhân xuất ngũ bị bệnh tâm thần vào điều trị ở Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) một thời gian mới có cơ sở giám định. Có thể nói đây là yêu cầu rất khó khăn cho gia đình và bệnh nhân, nhất là về tài chính. Từ năm 2016, Bộ CHQS tỉnh đã kiến nghị đưa số quân nhân này vào Bệnh viện Quân y 120 (Quân khu 9) đặt tại Tiền Giang để theo dõi, điều trị và Hội đồng Giám định y khoa bệnh tâm thần của Bệnh viện Quân y 175 trực tiếp về tổ chức giám định. Bộ CHQS tỉnh còn chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ chế độ tiền ăn, viện phí, thuốc điều trị theo quy định trong thời gian hoàn thiện hồ sơ giám định cho đối tượng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Với cách làm đó, đến nay toàn tỉnh Tiền Giang đã có 170 trường hợp được giám định và có quyết định hưởng trợ cấp hằng tháng theo chế độ bệnh binh".

Từ kinh nghiệm và cách làm của Bộ CHQS tỉnh tiền Giang, đến nay trên địa bàn Quân khu 9, các bước công tác xác lập, hoàn chỉnh hồ sơ và tổ chức giám định sức khỏe cho quân nhân xuất ngũ bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, được xã hội đồng thuận và các cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ, đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong tình hình mới.

Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/chu-dong-ra-soat-kip-thoi-tham-muu-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-648439