Chủ động sản xuất để 'né' hạn

Người dân cần chủ động các giải pháp để giảm thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra, nhất là tác động của hiện tượng El Nino dự báo xuất hiện vào cuối tháng 6 trở đi.

Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phỏng vấn ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vè vấn đề này.

PV: Cục Thủy lợi nhận định như thế nào về tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn thời gian tới, thưa ông?

Ông Lương Văn Anh: Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện vào cuối tháng 6 trở đi và có thể kéo dài sang đầu năm 2024. Ngoài nắng nóng gay gắt hơn, El Nino thường gây ra thâm hụt lượng mưa ở nhiều nơi trên cả nước với mức phổ biến từ 25% cho đến 50 %, chính vì vậy sẽ xảy ra hạn hán trong mùa khô năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Tuy nhiên, khu vực Nam bộ và Tây Nguyên hiện nay đang là thời điểm mùa mưa nên chưa ảnh hưởng nhiều, mà chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực Trung bộ. Theo thống kê từ các địa phương, sẽ có khoảng 15 nghìn ha chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn trong thời gian từ cuối tháng 6 trở đi. Với nhận định sớm chúng ta cần có giải pháp để chống hạn cho phù hợp điều kiện thực tiễn với từng địa phương.

Ông Lương Văn Anh khuyến cáo người dân và địa phương chủ động sớm các giải pháp giảm thiểu hiện tượng El nino.

Ông Lương Văn Anh khuyến cáo người dân và địa phương chủ động sớm các giải pháp giảm thiểu hiện tượng El nino.

PV: Các biện pháp cấp bách nào cần lưu ý trong thời điểm này như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Văn Anh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo các địa phương. Cụ thể, xây dựng giải pháp chống hạn chung của địa phương nhất là những vùng nguy cơ cao xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn để đảm bảo sản xuất, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong đó, nhấn mạnh quan tâm công tác dự báo, quan trắc ngắn và dài hạn cũng như rà soát nguồn nước để dự báo chính xác về nguồn nước qua đó có kế hoạch trước, trong và sau thời điểm hạn hán xảy ra.

Về giải pháp công trình, nạo vét kênh mương và xây dựng các đập tạm, các trạm bơm dã chiến và xây dựng những đập ngăn mặn và tích nước phục vụ phòng, chống hạn hán và chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong thời điểm hạn hán để lưu ý cho nông dân.

Các cơ quan chuyên môn ở địa phương lưu ý bà con thời điểm xuống giống phù hợp làm sao tránh được hạn hán và vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt đảm bảo lượng nước phân phối đều trong mùa hạn. Ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.

PV: Với kinh nghiệm phòng, chống hạn hán những năm trước đây, có những cách làm nào để nông dân áp dụng để giảm thiệt hại do hiện tượng El nino gây ra, thưa ông?

Ông Lương Văn Anh: Với kinh nghiệm trong các năm 2015 và 2019 chịu hạn hán nặng nề, người dân nông thôn đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp tưới cho các vườn cây ăn trái, đào ao tích và lấy nước ngọt trong thời điểm hạn hán thiếu nước và hạn mặn xảy ra, điều này có thể áp dụng ở những khu vực khác.

Nhiều khu vực khi hạn hán xảy ra người dân cũng chủ động tích nước cho sinh hoạt vào những bể, bồn chứa phục vụ sinh hoạt. Việc lấy nước ở những khu vực này thường kéo dài đường ống từ các công trình cấp nước tập trung ở những khu vực hạn hán thường xuyên xảy ra.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước đây cũng đã chủ động né vụ, né hạn, giãn vụ. Ví dụ có thể xuống giống 40 ngày trước vụ để tránh hạn, chuyển đổi sử dụng những cây sử dụng nhiều nước sang những cây ít nước.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chu-dong-san-xuat-de-ne-han-post1022876.vov