Chủ động, sáng tạo nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

Trong Phòng truyền thống Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật về hoạt động của Viện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong Phòng truyền thống Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật về hoạt động của Viện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như: Công nghệ hàn chịu áp lực cao, công nghệ đúc vỏ lựu đạn, công nghệ chế tạo nòng súng cối; hoạt động sản xuất súng và đạn cối 160mm; chế tạo lựu đạn ghép mảnh vỏ, sửa chữa đạn pháo...

Đó là niềm tự hào, động lực để các thế hệ sau không ngừng tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo, góp phần nâng cao tính chủ động của CNQP trong nước và thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từng bước làm chủ công nghệ cao

Xác định lộ trình phù hợp với năng lực công nghệ trong từng giai đoạn và nhu cầu của ngành CNQP, trong kháng chiến và sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Viện Công nghệ đã nghiên cứu số lượng lớn đề tài ứng dụng trong sản xuất quốc phòng và phục vụ dân sinh, như: Nghiên cứu công nghệ chế tạo các loại cối chuốt bằng vật liệu hợp kim cứng BK8; chế tạo vòi phun cao áp cho xe IFA; nấu luyện bằng lò điện xỉ; mạ thép nguội bằng dòng xoay; công nghệ phục hồi bơm cao áp; phục hồi trục khuỷu; chế tạo phụ tùng cho ngành xi măng; nấu luyện hợp kim nhôm... và hàng trăm đề tài nghiên cứu khác đã được ứng dụng vào thực tiễn.

 Cán bộ Trung tâm Đo lường, Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi, phối hợp nghiên cứu khoa học. Ảnh: SƠN BÌNH

Cán bộ Trung tâm Đo lường, Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi, phối hợp nghiên cứu khoa học. Ảnh: SƠN BÌNH

Những năm qua, khoa học-công nghệ (KHCN) quân sự đặt ra yêu cầu mới. Quán triệt Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30-12-2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác KHCN và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đảng ủy, chỉ huy Viện Công nghệ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới, đột phá nâng cao năng lực, hiệu quả nghiên cứu khoa học, coi đây là mục tiêu trọng tâm xuyên suốt.

10 năm qua, Viện đã thực hiện 84 đề tài, nhiệm vụ KHCN từ cấp quốc gia đến cơ sở. Các đề tài tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), như: Tên lửa; vũ khí lục quân, hải quân; vật liệu, hóa chất dùng trong quân sự...

Nhiều đề tài thuộc các chương trình, đề án trọng điểm có độ khó cao, đòi hỏi công nghệ, trình độ và sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều đơn vị trong và ngoài Quân đội. Các đề tài, nhiệm vụ đã góp phần tạo ra sản phẩm vũ khí mới trang bị cho Quân đội, nâng cao tính chủ động của CNQP trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, vật tư, linh kiện từ nước ngoài.

Đến nay, Viện Công nghệ đã cơ bản làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo hầu hết các loại đạn lục quân, đạn phòng không và một số loại đạn hải quân, chế tạo các loại đạn pháo, nòng pháo, giàn phóng bom chống ngầm; một số mác hợp kim đặc biệt, sơn, keo, chất bịt kín, cao su đặc chủng cho chế tạo chi tiết tên lửa, đầu đạn, vỏ liều...; làm chủ công nghệ chế tạo áo giáp chống đạn, mũ chống đạn, kính chống đạn; bước đầu nghiên cứu, chế tạo và làm chủ công nghệ từng phần các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí cơ động, tích hợp hệ thống, như: Tên lửa phòng không tầm thấp, robot chiến đấu và trinh sát, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành...

Với vai trò là đơn vị tư vấn chính, mỗi năm, Viện Công nghệ tổ chức thẩm định hơn 100 bộ tài liệu công nghệ cho các nhà máy; kiểm định, hiệu chuẩn hơn 5.000 thiết bị và phương tiện đo cho các cơ sở sản xuất quốc phòng và tham gia các hội đồng của Bộ Quốc phòng đánh giá năng lực các phòng thí nghiệm trong toàn quân; kiểm định hơn 10.000 tấn vật tư đầu vào cho sản xuất quốc phòng...

Nâng cao năng lực đội ngũ

Bám sát nhu cầu trang bị và chiến lược phát triển VKTBKT của Bộ Quốc phòng, thời gian tới, Viện Công nghệ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới tư duy, sáng tạo, tăng cường phối hợp, hợp tác đẩy mạnh công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất sản phẩm thuộc các nhóm VKTBKT chính theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo"; triển khai nghiên cứu KHCN có định hướng với lộ trình, kế hoạch, bước đi cụ thể theo từng nhóm nhiệm vụ. Tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh đó, chủ động bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế cho cán bộ nghiên cứu thông qua các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ KHCN, sản xuất quốc phòng và phân công cán bộ luân phiên đi thực tế tại các nhà máy để rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ chuyên môn; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng, cấp tổng cục; tham gia triển khai các dự án trọng điểm của trên, từng bước nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng công tác.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nghiên cứu mạnh; nâng cao hiệu quả mô hình “Nhóm ý tưởng, tổ chuyên gia” nhằm phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học trẻ trong chủ động tìm tòi cái mới, sáng tạo về lĩnh vực công nghệ. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ của Viện có trình độ đại học trở lên, trong đó hơn 80% sau đại học, tỷ lệ tiến sĩ hơn 30%.

Viện Công nghệ thành lập ngày 21-8-1973. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Viện đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng, phát triển ngành CNQP Việt Nam. Viện đã được tặng thưởng 12 huân chương các loại; năm 2012 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho cụm công trình chế tạo vũ khí bộ binh. Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống, Viện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Đại tá, ThS LÊ ANH TUẤN, Chính trị viên Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-sang-tao-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-khoa-hoc-739231