Chủ động sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và 32 cơ sở có hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN đang tuyển sinh đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng và 49 mã ngành, nghề trung cấp.

Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa thực hành hệ thống phanh ABS.

Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở GDNN đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh. Đặc biệt, với việc xã hội hóa GDNN được các cơ sở GDNN quan tâm triển khai thực hiện, nhất là việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động ra trường có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở GDNN ước tuyển sinh và đào tạo được khoảng gần 393.000 người (cao đẳng gần 12.000 người, trung cấp 30.990 người...); tỷ lệ lao động có việc làm đào tạo trình độ cao đẳng đạt khoảng 90-95%, trình độ trung cấp đạt khoảng 85-90% và trình độ sơ cấp đạt khoảng 75%.

Để đạt được kết quả trên, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường đầu tư các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của học sinh, sinh viên và người lao động nông thôn. Trong đó, các trường cao đẳng, trung cấp nghề được đầu tư khá lớn về thiết bị dạy nghề, khoảng gần 7.000 loại thiết bị dạy nghề, với tổng kinh phí trên 655 tỷ đồng; các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên được đầu tư gần 4.000 thiết bị dạy nghề, với tổng kinh phí trên 55 tỷ đồng. Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp được giao sử dụng hơn 668.000m2 đất, trong đó diện tích xây dựng khu nhà làm việc, khu ký túc xá, thư viện hơn 214.200m2; diện tích phòng học lý thuyết, xưởng thực hành hơn 141.300m2, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ. Chất lượng đội ngũ nhà giáo công tác tại cơ sở GDNN từng bước được nâng lên. Đến nay đã có 97,6% số nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ và tin học; tiến sĩ chiếm 2,5%, thạc sĩ chiếm 26,8%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện mạng lưới các cơ sở GDNN vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, nhiều trường đào tạo cùng một ngành nghề; việc phân bố các trường giữa các vùng, địa phương chưa hợp lý, chủ yếu tập trung ở TP Thanh Hóa; các trường cao đẳng, trung cấp công lập chưa có nhiều đột phá về chất lượng dạy nghề; các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện chủ yếu tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn; sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ; các cơ sở GDNN công lập hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước cấp... Đặc biệt, mặc dù hàng năm số lượng tuyển sinh đào tạo đều đạt chỉ tiêu nhưng tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp (khoảng gần 12%); vẫn còn nhiều cơ sở tư thục hoạt động cầm chừng, tuyển sinh chưa đạt yêu cầu.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị quyết 19), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án “Sắp xếp các cơ sở GDNN công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý”. Thực hiện đề án ngày 6-10-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4203/QĐ-UBND và Quyết định số 4204/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Sáp nhập Trường Cao đẳng Nghề nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào Trường Cao đẳng nông - lâm và đổi tên thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa”; phê duyệt Đề án “Sáp nhập Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình, Trường Trung cấp Nghề xây dựng vào Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa và đổi tên thành Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp, xây dựng và Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa”. Ngoài ra, cũng theo Đề án “Sắp xếp các cơ sở GDNN công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý”, Trường Trung cấp Nghề kỹ nghệ sẽ được chuyển giao cho Liên minh HTX Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX cho tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung bộ.

Thực hiện Nghị quyết 19 và Đề án “Sắp xếp các cơ sở GDNN công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý”, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành liên quan của tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó, đã đề ra các giải pháp, như: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác GDNN và định hướng phân luồng học sinh; khuyến khích các cơ sở GDNN chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực, giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách tạo sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm một cách bền vững; trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN... Bên cạnh đó, đối với các trường cao đẳng sau khi có quyết định phê duyệt đề án sáp nhập của UBND tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh hoàn thiện việc xây dựng đề án vị trí việc làm, chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo, giáo trình giảng dạy... báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan của Trung ương xem xét quyết định để đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Bài và ảnh: Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/chu-dong-sap-xep-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-phu-hop-voi-chuong-trinh-dao-tao-va-su-dung-nguon-nhan-luc/126577.htm