Chủ động tạo việc làm, nâng cao đời sống của hội viên Hội Người mù
Chủ động tạo việc làm, nâng cao đời sống của hội viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng được toàn thể cán bộ, hội viên Hội Người mù thị xã Quảng Trị tích cực thực hiện trong nhiều năm qua. Thông qua các nghề khác nhau như làm chổi, tăm tre, làm hương, xoa bóp… đời sống hội viên dần được nâng cao, nhiều gia đình hội viên nay đã có công việc ổn định, phát triển kinh tế và thoát nghèo.
Chúng tôi có dịp ghé thăm anh Lê Quang Thành (sinh năm 1973), một trong những hội viên đầu tiên của Hội Người mù thị xã Quảng Trị. Trong ngôi nhà khang trang nằm bên cạnh Nhà thờ An Đôn, phường An Đôn, anh cùng vợ tất bật vừa sản xuất vừa đóng gói hương để kịp giao hàng cho khách. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Thành cho biết anh bị mất đi đôi mắt vào năm 15 tuổi sau một tai nạn bom mìn. Để có thể tiếp tục cuộc sống như hiện tại, anh đã mất rất nhiều thời gian để tập làm quen với mọi thứ. Sau này, khi tham gia Hội Người mù thị xã, anh Thành đã được dạy cho nhiều nghề khác nhau như làm chổi, làm hương, xoa bóp,… để có công việc ổn định, tạo thu nhập cho bản thân. Năm 2016, do điều kiện sức khỏe và đường sá đi lại khó khăn, Hội Người mù thị xã cho phép anh thành lập cơ sở làm hương tại nhà, hỗ trợ vay vốn và kêu gọi tổ chức RENEW hỗ trợ thiết bị máy móc. Chị Hồ Thị Gái, vợ anh Thành cho biết: “Mỗi ngày, vợ chồng tôi làm được chừng 60 thẻ hương. Một thẻ hương bán được với giá từ 8 nghìn đến 10 nghìn đồng tùy theo loại. Công việc này giúp gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học”. Cũng nhờ công việc này, gia đình anh từ diện hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo thành công. Hương do anh Thành sản xuất ngày càng được tiêu thụ nhiều vì giá cả phải chăng và có hương thơm hơn nhiều loại hương trên thị trường. Anh Thành trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu của Hội Người mù thị xã do đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế.
Không chỉ riêng anh Thành, nhiều hội viên khác của hội cũng đã vượt lên số phận, tạo thu nhập ổn định cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho người khác như trường hợp của anh Trần Đình Lợi (sinh năm 1968), hiện sống tại Phường 3, thị xã Quảng Trị. Không may mắn bị mù bẩm sinh, vợ bị ung thư máu và nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học nên hoàn cảnh gia đình anh vô cùng khó khăn. Khi trở thành hội viên của Hội Người mù, anh Lợi đã được đào tạo nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề xoa bóp, bấm huyệt,… Sau này, khi đã làm quen được với công việc và nhận được sự hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng từ Hội Người mù thị xã, anh Lợi quyết định mở phòng dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt. Công việc này không chỉ tạo thu nhập cho gia đình anh, giúp vợ chồng anh trang trải tiền thuốc men, nuôi các con ăn học mà còn tạo việc làm cho một người mù khác với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Hội Người mù thị xã Quảng Trị hiện có 90 hội viên bao gồm 51 hội viên nam và 39 hội viên nữ. Xác định người mù là người dễ bị tự ti, mặc cảm trong cuộc sống, sợ bản thân sẽ là gánh nặng của người khác nên ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Hội Người mù thị xã đã luôn chủ động tạo công ăn việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống của từng hội viên. 5 năm qua, hội đã mở được 5 lớp dạy nghề và truyền nghề làm tăm tre, chổi đót, hương thơm cho khoảng 80 hội viên, mở lớp đào tạo xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng cho 6 hội viên và đào tạo các ngành nghề khác cho những hội viên còn lại. Ngoài ra hội còn thành lập một cơ sở sản xuất tập trung tạo việc làm cho 16 lao động là người mù và người tàn tật, trong đó có 12 người làm việc tập trung, 4 người làm việc tại gia đình với thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,6 triệu đồng/ người/tháng. Những sản phẩm do hội viên làm ra luôn đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tiêu thụ tốt trên thị trường. Vì thế nên doanh thu của các cơ sở sản xuất của hội viên tăng dần qua các năm, từ 115 triệu đồng vào năm 2016 lên 235 triệu đồng vào năm 2019. 6 tháng đầu năm 2020, tuy bị ảnh hưởng bởi COVID - 19 nhưng số lượng sản phẩm do hội sản xuất ra vẫn đạt số lượng lớn với tổng doanh thu gần 219 triệu đồng.
Để có được kết quả đó, ngay từ khi bắt tay vào tạo việc làm cho hội viên, ban chấp hành hội đã họp bàn, lên kế hoạch sản xuất phù hợp, dự trù thu mua nguyên vật liệu, sắp xếp lại các tổ nhóm sản xuất hợp với khuyết tật của từng người, khoán sản phẩm đến từng hội viên. Cũng trong giai đoạn từ 2015 - 2020, Hội Người mù thị xã đã thành lập được 4 dự án xây dựng phòng dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt, nhà xưởng sản xuất, tăng cường đầu tư các trang thiết bị máy móc phục vụ cho cơ sở sản xuất như máy đánh bóng chân hương, máy xe hương, máy nhào trộn bột hương,… với số tiền 1,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hội còn đẩy mạnh công tác vay vốn hỗ trợ việc làm cho hàng chục lượt người mù. Nhờ có tiền hỗ trợ, các hội viên có điều kiện đầu tư vào sản xuất, từ đó đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế cho gia đình, giảm tỉ lệ hộ nghèo ,…
Chủ tịch Hội Người mù thị xã Quảng Trị Cao Nghĩa cho biết: “Hội Người mù thị xã luôn xem việc tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bởi lao động, sản xuất không chỉ để tạo ra sản phẩm mà còn giúp người mù bồi dưỡng thể chất, phát huy năng lực trí tuệ để khẳng định mình, từ đó vượt qua những mặc cảm, tự ti, có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đồng hành với các hội viên, tích cực tạo ra công ăn, việc làm cho nhiều hội viên trên địa bàn thị xã”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150438