Chủ động tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát khu vực
Sáng 3-6, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội CATP Hà Nội phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho Cảnh sát khu vực (đợt 1).
Trong năm 2024, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH dự kiến tổ chức 7 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ là Cảnh sát khu vực (CSKV), cán bộ thực hiện công tác CSKV tại 579 Công an xã, phường, thị trấn.
Xác định công tác tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng CSKV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, thông qua việc tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ CSKV nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm chuyển biến sâu sắc về tư tưởng nhận thức, đổi mới lề lối làm việc, biện pháp công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu khai giảng lớp tập huấn, Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH nêu rõ, hiện nay CSKV, cán bộ thực hiện công tác CSKV thực hiện 20 nội dung công việc theo Thông tư số 25 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về CSKV. Trong đó, việc chuyển đổi trạng thái công tác của lực lượng CSKV, cán bộ thực hiện công tác CSKV từ thủ công sang thao tác trên các phần mềm công nghệ thông tin được Bộ Công an, CATP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Cụ thể, đã có 6 nội dung đã được chuyển đổi trạng thái thực hiện phần lớn công việc trên môi trường mạng; 11 nội dung công việc đã được ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chia sẻ, kết nối, mạng xã hội vào một phần công tác của CSKV…
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã nghiên cứu, tham mưu Ban Giám đốc đổi mới phương án tập huấn theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, tránh bị động, thụ động, lấy người học làm trung tâm. Trong đó đã nghiên cứu để chia quá trình học tập của từng lớp tập huấn thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 căn cứ nội dung chương trình tập huấn, giảng viên lựa chọn nội dung trọng tâm liên quan đến công tác CSKV, cung cấp tài liệu tập huấn cho học viên, học viên chủ động nghiên cứu tài liệu, tập hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc, vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, trao đổi, thảo luận với giảng viên, báo cáo viên, ngoài ra thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của giảng viên đề ra để đảm bảo 100% CBCS nắm được nội dung, cách thức, phương pháp thực hiện trong công tác CSKV, có khả năng áp dụng linh hoạt công tác nghiệp vụ CSKV trong công tác thực tế tại đơn vị.
Giai đoạn 2, giảng viên, báo cáo viên lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ tham gia tập huấn thảo luận, giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình giảng dạy yêu cầu đảm bảo được đầy đủ nội dung theo chương trình tập huấn, CBCS nhận thức được phương pháp, cách thức và các biện pháp nghiệp vụ CSKV.
Việc tập huấn nhằm trang bị những kiến thức mới trong công tác CSKV được quy định tại các Thông tư về CSKV và các văn bản quy phạm pháp luật giúp lực lượng CSKV, cán bộ thực hiện công tác CSKV nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm để thực hiện các mặt công tác; đồng thời, trao đổi những bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ.
Mặt khác, thông qua tập huấn cũng quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an về chuyển đổi trạng thái làm việc, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào hoạt động công tác CSKV, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác CSKV; xây dựng lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH nói chung và lực lượng CSKV nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô.