Chủ động thích ứng, thay đổi tư duy, tôn trọng tự nhiên

Phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là mệnh lệnh của sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu và diễn biến thị trường ngày càng gay gắt, khó lường. Từ đây, cụm từ 'nông nghiệp thuận thiên' cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, nhưng việc hiểu và hành động thế nào để thuận thiên, để bền vững mới là vấn đề quan trọng.

Trước tiên, thuận thiên ở đây không có nghĩa là thụ động, là hoàn toàn chịu sự chi phối của tự nhiên, mà chính là sự tôn trọng và hiểu được quy luật tự nhiên để từ đó chủ động chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, mô hình phù hợp sao cho ít tác động tiêu cực đến tự nhiên nhất. Sự chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức từ tự nhiên, biến thách thức đó thành cơ hội chính là sự đảm bảo cho sản xuất được hiệu quả và bền vững. Những mô hình nuôi tôm bằng ao tròn nổi, trồng rau màu trong nhà lưới, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong chuồng trại kín có hệ thống điều hòa nhiệt độ… chính là những minh chứng của sự chủ động thích ứng với những biến đổi khí hậu, dịch bệnh có hiệu quả trong thời gian qua.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là sự chủ động thích ứng với tự nhiên và thị trường, giúp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Ảnh: TÍCH CHU

Cũng chính từ sự chủ động đó đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng sang hướng ưu tiên phát triển nuôi thủy sản rồi mới đến cây ăn trái và sau cùng là cây lúa. Sự thay đổi trên đã đưa Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh có sản lượng tôm nuôi và giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm lên top đầu của cả nước, còn sản lượng lúa vẫn duy trì ở mức trên dưới 2 triệu tấn/năm, nhưng chất lượng và giá trị đã được cải thiện đáng kể. Sự chủ động thay đổi đó còn góp phần biến những vùng đất nhiễm mặn, hoang hóa, kém hiệu quả thành những vùng đất giàu tiềm năng, vùng nông thôn mới điển hình, như 6 xã vùng trong của huyện Mỹ Xuyên.

Còn thay đổi tư duy phát triển là phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ số lượng sang chất lượng, gắn với chuỗi giá trị sản xuất và tới đây sẽ là chuỗi lợi ích trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những sự thay đổi tư duy được thể hiện rõ nét nhất trong sản xuất nông nghiệp chính là việc giảm dần sự lệ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt; giảm và bỏ hẳn sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi để thay bằng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hay vi sinh trong sản xuất. Hay như sản xuất không chỉ phụ thuộc vào mùa vụ như trước đây mà còn được gắn với thị trường, với công nghiệp chế biến để vừa có sản phẩm sạch, ngon phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Sự ra đời của 2 giống gạo ngon nằm top 3 gạo ngon nhất thế giới là ST24, ST25, cùng con tôm đạt các chứng nhận quốc tế đã giúp nâng tầm giá trị nông, thủy sản Sóc Trăng trên thị trường, chứng minh cho tính đúng đắn và hiệu quả của tư duy kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Đối với việc tôn trọng quy luật tự nhiên, là phải chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế. Đây không chỉ là vấn đề quan trọng để sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao mà còn đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ. Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết, nên mọi hoạt động sản xuất đều phải tuân thủ các quy định chung của sân chơi lớn này. Câu chuyện về thẻ vàng khai thác biển cho thấy, nếu chúng ta chỉ biết khai thác mà không tính đến việc bảo vệ tự nhiên thì sản phẩm của chúng ta sẽ không thể vào những thị trường lớn có giá trị cao được.

Thích ứng nhưng cần phải thay đổi và trong sự thay đổi đó phải luôn dành cho tự nhiên một sự tôn trọng nhất định. Có như thế, sản xuất nông nghiệp mới từng bước tiệm cận với mục tiêu, hiệu quả và bền vững như tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/chu-dong-thich-ung-thay-doi-tu-duy-ton-trong-tu-nhien-48982.html