Chủ động thực hiện phòng chống dịch tại quán ăn, chợ dân sinh
Khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc tự ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như lập vách chắn, giãn cách chỗ ngồi ít nhất 1m tại các quán ăn, chợ dân sinh là vô cùng cần thiết.
Thực hiện Công điện số 07/CĐ-UBND thành phố Hà Nội về phòng chống dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 19/8, các nhà hàng, quán bia, quán cà phê ở Hà Nội phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, tất cả nhà hàng ăn uống, bia hơi, giải khát ở Hà Nội sẽ phải thực hiện nghiêm việc ngồi giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn, khuyến khích có vách ngăn, nhân viên phải đeo khẩu trang suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.
Do những cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống thường là nơi tập trung đông người nên đây là một trong những biện pháp quyết liệt để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tập trung đông người không trở thành những “ổ dịch” bất đắc dĩ.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô, trong những ngày qua, trên nhiều tuyến phố trung tâm của Hà Nội, các hàng quán ăn uống, quán cà phê vẫn có khách ra vào bình thường. Ở một số cửa hàng đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh như để sẵn nước rửa tay, đo thân nhiệt. Đặc biệt có những quán ăn đã bỏ chi phí lắp đặt tấm mica chắn giọt bắn, thậm chí chấp nhận thiệt hại về kinh tế, nhận ít khách để đảm bảo việc giãn cách.
Là một trong các cửa hàng đầu tiên thực hiện lắp tấm mica, quán cơm tại số 65 Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm) của bà Lưu Quế Mai nhận được sự hưởng ứng của khách hàng. Bà Mai chia sẻ, quán cơm của bà đối diện Bệnh viện Việt Đức nên cũng khá đông người tới ăn. Hiện nay quán có quy mô 10 bàn có khả năng đáp ứng được khoảng 30 khách ăn tại chỗ.
Nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng, quán đã bỏ ra chi phí gần 2 triệu đồng để mua tấm nhựa mica và các linh kiện khác để lắp đặt. Mỗi bàn được dùng 4 tấm mica, chia bàn to làm 4 ngăn, bàn nhỏ làm 2 ngăn, mỗi ngăn tương ứng 1 người.
Không thể phủ nhận cách làm này sẽ gây ảnh hưởng đến kinh doanh nhưng để tránh lây nhiễm thì việc lắp đặt những tấm nhựa là cần thiết.
“Cửa hàng tôi đã lắp tấm chắn giọt bắn từ 3 tháng trước để đảm bảo an toàn cho quán và khách hàng. Thời gian gần đây nhận thấy tấm mica cũ có nhiều hạn chế, chúng tôi đã bỏ thêm tiền thay tấm mica mới, cao hơn và rộng hơn để đảm bảo an toàn hơn.
Tuy đây mới chỉ là biện pháp tạm thời nhưng cũng góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm, giúp khách hàng của quán an tâm hơn trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay”, bà Mai cho biết.
Cũng với cách làm tương tự, chủ quán phở tại số 68 Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) - bà Nguyễn Anh Thư chia sẻ, mỗi khi khách hàng đến quán, mọi người đều tiến hành đo thân nhiệt, chuẩn bị nước rửa tay khô cho khách để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.
“Mặc dù việc lập tấm chắn trong suốt làm cho diện tích bàn ăn sẽ bị giảm xuống, đôi khi gây bất tiện, nhưng hầu hết khách hàng khi đến quán đều ủng hộ cách làm này. Cuối buổi tôi cũng vệ sinh vách ngăn thường xuyên để đảm bảo an toàn”, bà Thư vui vẻ cho hay.
Không chỉ riêng quán ăn, quán cà phê… tại những nơi tập trung đông người như chợ dân sinh và trung tâm thương mại cũng đã có nhiều biện pháp sáng tạo để phòng, chống dịch.
Đơn cử như chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình), nơi đây được xem là chợ nông sản lớn nhất Hà Nội, là nơi giao thương quan trọng và quen thuộc của người dân Thủ đô. Mỗi ngày, có hàng nghìn hộ kinh doanh với những với những chiếc xe tải chở đầy hàng hóa ra vào tấp nập tại đây. Những ngày qua, chợ đã lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn và được tiểu thương, lao động tự do thực hiện nghiêm túc. Theo đó, mỗi lượt ra, vào tất cả mọi người đều phải đi qua hệ thống phun sương khử khuẩn cỡ lớn với 3 luồng tại cổng chợ.
Việc phun khử trung được thực hiện đều đặn trong mỗi ngày bên cạnh việc đo thân nhiệt và yêu cầu tuyệt đối phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn bố trí những tấm biển khuyến cáo đảm bảo an toàn tại nhiều khu vực trong khuôn viên chợ đầu mối.
Có thể thấy, sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến khó lường, việc khởi động những “lá chắn” phòng chống dịch trên địa bàn thành phố là vô cùng cấp bách và cần thiết. Để đảm bảo tối đa hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 rất cần sự chung tay, ý thức của cả cộng đồng.