Chủ động, tích cực, đột phá mạnh mẽ hơn để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng
Chiều 2/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân chủ trì Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu; đề nghị Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến có chọn lọc, tập trung sau khi hoàn thiện một bước nữa dự thảo, gửi lại cho các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp ý kiến; mong các thành viên dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến bổ sung có chất lượng, nhanh chóng trình các cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng nêu rõ, tinh thần góp ý vào dự thảo cần phải sắc sảo, có tính khả thi, hiệu quả, mang tính văn kiện, có tính chất chủ trương; về mặt thời gian, chúng ta xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; không gian của Đề án này là khu vực kinh tế tư nhân bao gồm cả hộ gia đình, hộ kinh doanh; tất cả các loại hình doanh nghiệp tư nhân nằm trong phạm vi Đề án này.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng Đề án này, Thủ tướng nhấn mạnh cần đột phá mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế tư nhân nhưng phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào thực hiện 2 mục tiêu phát triển 100 năm; bảo đảm dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, từ ngữ giản dị, hiệu quả.
Tư tưởng là giải phóng toàn bộ sức sản xuất của nền kinh tế thông qua phát triển kinh tế tư nhân; huy động mọi nguồn lực của tư nhân vào phát triển đất nước; khai thác hiệu quả nguồn lực, nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa; kết hợp hài hòa nguồn lực bên ngoài là nguồn vốn, công nghệ, thể chế, nguồn nhân lực, quản trị thông minh cho phát triển kinh tế tư nhân. Quán triệt các tư tưởng, quan điểm, kế thừa các Nghị quyết của Đảng về kinh tế tư nhân và các Nghị quyết khác có liên quan; tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân gần đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về các nội dung cụ thể trong dự thảo Đề án, Thủ tướng yêu cầu thống nhất nhận thức, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong tổng thể của nền kinh tế; là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, từ đó mới đề ra được quan điểm, tư tưởng chỉ đạo. Đó là: liên quan bảo đảm quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh, theo đó, mọi người dân được tự do kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau, phương pháp khác nhau, quyền tự do kinh doanh rộng nhất, nhiều nhất có thể; quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên thiên nhiên, tài sản của đất nước; thể hiện việc chuyển đổi trạng thái từ việc thụ động giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân sang trạng thái chủ động, tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đi đúng hướng, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng đề nghị đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP phải cao hơn so mục tiêu nêu trong dự thảo hiện nay với tinh thần mạnh mẽ hơn, cao hơn để xứng tầm, vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng lưu ý cần tăng cường nhận thức cho người dân, cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân; thể chế gồm xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, thể chế phải thông thoáng; cắt bỏ những thủ tục hành chính rườm rà; không gây phiền hà, ách tắc cho người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí tuân thủ ở mức cao nhất có thể; giảm thủ tục hành chính theo lộ trình mà Chính phủ đã đưa ra; bảo đảm việc đăng ký thành lập doanh nghiệp phải đơn giản, có thời gian cụ thể (thí dụ trong bao nhiêu giờ, nhiều lắm là một ngày thì cấp phép), thủ tục được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, đồng thời bảo đảm kiểm soát hiệu quả.

Lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về cách huy động nguồn lực, Thủ tướng cho rằng phải đa dạng hóa các nguồn lực, đa dạng hóa các loại sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận công việc kinh doanh thuận lợi, phù hợp, có thể lựa chọn dễ dàng nhất. Đẩy mạnh hợp tác công tư, xây dựng các mô hình hợp tác như “lãnh đạo công-quản trị tư”, “đầu tư công-quản lý tư”, “đầu tư tư-sử dụng công”; phải tạo đột phá trong lĩnh vực này; giải pháp được nguồn lực tiền, vàng, đôla trong dân. Vấn đề là phải bảo đảm tài sản cho người dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân; các vấn đề kinh tế phải giải quyết bằng biện pháp kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; đồng thời phải kiên quyết xử lý những doanh nghiệp, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật.
Vấn đề phục vụ phát triển bền vững, Thủ tướng lưu ý phải chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm nền tảng, động lực phát triển; coi trọng chống biến đổi khí hậu; có cơ chế, chính sách khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên này. Phải tin tưởng vào thành phần kinh tế tư nhân, đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho họ phát triển, khuyến khích mọi người dân làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội, đất nước; phát triển công nghiệp giải trí, văn hóa; khai thác các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện quản trị thông minh, theo đó phát triển hạ tầng số, công nghệ thông tin, góp phần giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm; tăng năng suất lao động cho khối tư nhân; huy động và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia các công trình trọng điểm quốc gia, tham gia tích cực 3 đột phá chiến lược, thí dụ huy động các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển công nghiệp đường sắt (làm đường ray, toa xe, phần mềm quản lý vận hành…); có cơ chế, chính sách giao thành phần kinh tế tư nhân tham gia hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Về vấn đề tổ chức thực hiện, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ phải ban hành Chương trình hành động và tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; tiếp tục giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Luật cho doanh nghiệp tư nhân, mọi vấn đề cơ bản phải được giải quyết trong luật này.
Thủ tướng đề nghị về tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận phải đột phá mạnh mẽ, mạnh dạn hơn nữa, vượt qua tư duy thông thường; chọn đòn bẩy, điểm tựa chính xác; tiếp tục tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tiến tới không khoán thuế mà phải chuyển sang số hóa, tập trung chuyển đổi số để vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp, chống tiêu cực, tham nhũng vặt.
Thủ tướng đề nghị Tổ biên tập của Ban Chỉ đạo phải hết sức nỗ lực, tiếp tục dành thời gian xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển kinh tế tư nhân có chất lượng.