Ngành xi măng Việt Nam: Lời giải nào cho bài toán cung vượt cầu?

Ngành xi măng Việt Nam đang đối mặt với bài toán cung-cầu nan giải, khi công suất sản xuất vượt xa nhu cầu tiêu thụ. Để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, ngành cần xây dựng một chiến lược dài hạn, với dự báo nhu cầu tiêu thụ chính xác và các giải pháp cân đối cung-cầu hiệu quả. Liệu việc đẩy mạnh đầu tư công có thể trở thành 'cứu cánh' cho ngành xi măng trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam:

Tình trạng dư thừa công suất lớn đang đặt ra thách thức nghiêm trọng cho ngành xi măng Việt Nam. Các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt để tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến nguy cơ giảm giá và ảnh hưởng lợi nhuận. Điểm yếu lớn nhất là thiếu sự gắn kết trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Thực trạng đáng lo ngại

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình ngành xi măng, trong đó nan giải nhất là bài toán cung - cầu vẫn chưa tìm được lời giải. Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam hiện có 92 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế đạt trên 122 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ chỉ ước tính khoảng 95 triệu tấn, gồm 65,3 triệu tấn tiêu thụ nội địa và 29,7 triệu tấn xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc các dây chuyền sản xuất chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% công suất thiết kế là đã đáp ứng sức cầu hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, tình trạng tiêu thụ xi măng và clinker giảm sút, cùng với tồn kho tăng cao, đã buộc một số đơn vị thành viên phải dừng lò hoặc giảm công suất hoạt động.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thông tin thêm, mức tiêu thụ xi măng bình quân đầu người tại Việt Nam nhiều năm qua chỉ dao động từ 550-650 kg, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Theo ông Cung, sự mất cân bằng cung - cầu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Việc quy hoạch phát triển ngành xi măng phụ thuộc vào mức tiêu thụ bình quân đầu người, các kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế. Dù các dự án đầu tư vào ngành xi măng đã được phê duyệt, nhưng tiến độ triển khai các dự án phát triển kinh tế - vốn là động lực thúc đẩy nhu cầu xi măng, lại diễn ra chậm chạp. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Đáng chú ý, là tình trạng đầu tư tràn lan các nhà máy xi măng.

Cùng với đó, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi Đài Loan (Trung Quốc) đang điều tra chống bán phá giá xi măng xuất khẩu từ Việt Nam, còn châu Âu áp dụng các rào cản thuế, chính sách bảo vệ môi trường và quy định nghiêm ngặt về phát thải carbon.

Không chỉ đối mặt với tình trạng dư cung trong nước, ngành xi măng Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu

Không chỉ đối mặt với tình trạng dư cung trong nước, ngành xi măng Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu

Đầu tư công có phải là giải pháp bền vững?

Trước tình trạng dư cung, Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND các địa phương cân nhắc kỹ trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xi măng mới, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn nằm ở việc kích cầu tiêu thụ trong nước.

Ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn là cơ hội vàng cho ngành xi măng. Bên cạnh đó là việc khuyến khích sử dụng công nghệ cầu cạn bê tông cốt thép cho các dự án đường cao tốc, đặc biệt tại vùng ngập lụt hoặc địa chất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long. Công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ và đường bê tông xi măng cho khu vực nông thôn, miền núi cũng được đẩy mạnh, giúp nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình và tận dụng nguồn xi măng trong nước.

Để phát triển bền vững, cần xây dựng chiến lược dài hạn, trong đó dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong 20 năm tới là ưu tiên hàng đầu. Dựa vào đó, quy mô sản xuất sẽ được xác định phù hợp, cân đối cung-cầu hiệu quả, tránh dư thừa hay thiếu hụt nguồn cung, đồng thời đảm bảo ổn định thị trường. Thị trường nội địa – với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở ngày càng tăng – cần được tập trung khai thác, dù xuất khẩu cũng nên được xem xét thận trọng để đa dạng hóa và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Cung nhận định ngành xi măng đang có tín hiệu phục hồi khả quan, với mức tăng trưởng nhu cầu ước tính đạt 8% trong năm 2025. Thị trường xi măng được kỳ vọng đạt trạng thái cân bằng cung cầu trong vài năm tới, nhờ việc đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn.

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhấn mạnh đầu tư công sẽ là “chìa khóa” thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng. Các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam hay sân bay Long Thành được kỳ vọng tạo nhu cầu lớn. Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tiến độ, vừa giúp hoàn thành các dự án đúng kế hoạch, vừa tạo động lực tăng trưởng cho ngành.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-xi-mang-viet-nam-loi-giai-nao-cho-bai-toan-cung-vuot-cau-162227.html