Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Đến sáng 6-7, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 10 ca dương tính với bệnh bạch hầu (cùng ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa), trong đó có 1 bệnh nhi 4 tuổi tử vong. Xung quanh công tác phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế.

Ông Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: N.N

Ông Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: N.N

*P.V: Gia Lai đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu và có 1 ca tử vong. Nguyên nhân bệnh bạch hầu bùng phát là do đâu, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Nguyên nhân bùng phát bệnh bạch hầu tại Gia Lai là do tỷ lệ tiêm chủng của một số vùng còn thấp nên khả năng phòng bệnh của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, bệnh bạch hầu chưa phải là bệnh đã được loại trừ nên vẫn còn khả năng lây lan trong cộng đồng. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, nhận thức của một số bộ phận người dân chủ quan, chưa chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh nên có nguy cơ nhiễm bệnh bạch hầu.

Riêng tại xã Hải Yang, ngành Y tế đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Mục tiêu là không để dịch bùng phát và lây lan ra diện rộng, dập dịch nhanh chóng, ổn định đời sống và an ninh trật tự tại địa phương.

Ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh, nhất là bệnh bạch hầu; chỉ đạo tăng cường rà soát để tiêm vét tất cả những đối tượng tiêm vắc xin chưa đủ mũi hoặc trước đây chưa được tiêm phòng; tổ chức tốt công tác giám sát phát hiện ca bệnh, nhất là những vùng trước đây đã từng có ca bệnh bạch hầu và những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhằm phát hiện sớm những ca bệnh để cách ly, điều trị, dập dịch kịp thời.

* P.V: Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào và dấu hiệu nhận biết bệnh ra sao, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua đường hô hấp và đặc trưng của bệnh là gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Ban đầu, bệnh biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp, sau đó gây ra biến chứng toàn thân nặng, đặc biệt là biến chứng tim mạch, thần kinh, có thể gây tử vong. Bệnh gây ra tình trạng viêm hầu họng hoặc mũi họng, amidan. Vì thế, triệu chứng của bệnh giống những trường hợp viêm hầu họng thông thường như: sốt, ho, rát họng, khàn tiếng… rất khó phát hiện nếu không chủ động trong vấn đề rà soát phát hiện bệnh.

Đối với những người đã có miễn dịch rồi vẫn gặp các trường hợp viêm hầu họng do vi khuẩn bạch hầu giống như các vi khuẩn thông thường mà không gây ra những triệu chứng toàn thân. Đây là nguồn có thể lây bệnh trong cộng đồng. Vì thế, việc phát hiện sớm để cách ly điều trị, khoanh vùng dập dịch là quan trọng nhất.

Người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: N.N

Người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: N.N

*P.V: Vậy người dân cần làm gì để phòng bệnh bạch hầu?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Vì bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp nên vấn đề phòng bệnh cũng như các bệnh hô hấp khác. Người bệnh cần được phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời và tổ chức tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động. Bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Việc tăng cường tiêm chủng, nhất là tiêm chủng mở rộng, tiêm vét là điều kiện quan trọng nhất để tạo miễn dịch chủ động cho người dân trong phòng-chống bệnh.

Những trường hợp mắc bệnh bạch hầu thường là chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều. Vì thế, phải đảm bảo trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; còn người lớn cần chủ động tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu để tạo miễn dịch chủ động giúp phòng bệnh hiệu quả. Ngành Y tế sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh; đồng thời, rà soát, triển khai tiêm vét đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%.

Gia Lai đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu. Tuy nhiên, ngành Y tế đang kiểm soát tốt và triển khai các bước phòng-chống theo quy định. Do đó, người dân không nên hoang mang, lo lắng; cần thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh và khi có các triệu chứng như: sốt, ho, rát họng, khàn tiếng… cần đến cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh sớm, tránh lây lan trong cộng đồng.

*P.V: Xin cảm ơn ông!

Ngày 6-7, UBND tỉnh có Công văn số 1388/UBND-KGVX chỉ đạo tập trung phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch bạch hầu xảy ra tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa); khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lây ra ngoài địa bàn. Đồng thời, báo cáo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn, vật tư, hóa chất... phục vụ công tác phòng-chống dịch.

Các cơ sở khám-chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc; chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, nhân lực, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ đạt tỷ lệ trên 95% theo quy mô cấp xã; đồng thời tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) cho trẻ em dưới 48 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh; khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng uốn ván-bạch hầu (Td) cho cộng đồng theo các chỉ điểm dịch tễ phù hợp. Các sở, ban, ngành, UBND các huvện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh bạch hầu... Trong đó, UBND huyện Đak Đoa, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính thực hiện nghiêm những chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn này.

NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12371/202007/chu-dong-tiem-vac-xin-phong-benh-bach-hau-5689523/