Chủ động tiêu dùng nội địa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi Mỹ mới đây tuyên bố áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp thách thức lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa như một giải pháp quan trọng nhằm duy trì sự ổn định của thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Một trong những tác động trực tiếp của chính sách thuế cao của Mỹ là sự sụt giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Khi mức thuế tăng cao, giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trở nên kém hấp dẫn hơn so với hàng hóa từ các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi chính sách này. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp giảm, thậm chí mất khách hàng, phải thu hẹp sản xuất hoặc tìm kiếm thị trường thay thế, điều này không dễ dàng trong bối cảnh cạnh tranh thương mại đang diễn ra ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chuỗi cung ứng để tránh tác động của thuế suất cao cũng làm gia tăng chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế hoặc thay đổi quy trình sản xuất để thích ứng với thị trường nội địa. Điều này không chỉ gây áp lực lên tài chính mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chính vì vậy, tiêu dùng nội địa trở thành một yếu tố then chốt trong việc giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Khi người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội địa, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu và giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng không chỉ tác động đến doanh số bán hàng mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa là nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa trong nước. Chính quyền các cấp, doanh nghiệp và các tổ chức cần phối hợp để xây dựng các chương trình truyền thông nhằm tăng cường sự tin tưởng của người dân vào sản phẩm nội địa.

Phát triển hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, điểm dừng nghỉ góp phần thúc đẩy tiêu dùng hàng nội địa, mở rộng thị trường cho hàng Việt đến với người tiêu dùng. Ảnh: Đức Chung

Phát triển hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, điểm dừng nghỉ góp phần thúc đẩy tiêu dùng hàng nội địa, mở rộng thị trường cho hàng Việt đến với người tiêu dùng. Ảnh: Đức Chung

Các chiến dịch truyền thông như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã cho thấy hiệu quả trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng và hỗ trợ nền sản xuất trong nước. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ hơn để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. Trong đó, xem xét giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cung cấp gói hỗ trợ tài chính nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp nội địa với người tiêu dùng. Các nền tảng số không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng rộng hơn mà còn giảm chi phí trung gian, từ đó giúp họ duy trì giá thành cạnh tranh. Việc tận dụng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử trong nước để quảng bá sản phẩm sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hành vi mua sắm hàng nội địa.

Theo thống kê, quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20.970 tỷ đồng, tăng 11,88% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 16.609 tỷ đồng, tăng 10,43% so với cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt gần 2.499 tỷ đồng, tăng 16,14% so với cùng kỳ.

Những năm gần đây, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã đặt niềm tin, lựa chọn các sản phẩm hàng Việt ngày càng cao. Xu hướng này không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích tiêu dùng nội địa, kết hợp với sự thay đổi trong nhận thức của người dân, tạo nên một thị trường hàng Việt đầy tiềm năng.

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng này là các chương trình kích cầu tiêu dùng được tổ chức thường xuyên. Các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, các chương trình khuyến mãi và chiến dịch tuyên truyền như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm trong nước. Nhờ vậy, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng và có vị thế vững chắc hơn trên thị trường.

Không chỉ dừng lại ở chất lượng sản phẩm, sự hưởng ứng mua sắm hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn còn xuất phát từ ý thức ủng hộ doanh nghiệp nội địa. Ngày càng nhiều người lựa chọn hàng Việt không chỉ vì chất lượng mà còn vì mong muốn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Việc sử dụng sản phẩm nội địa không những mang lại lợi ích cá nhân mà còn giúp tạo thêm việc làm, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Nhờ sự hưởng ứng tích cực từ người dân, thị trường hàng Việt ngày càng phát triển vững mạnh. Các doanh nghiệp có thêm động lực mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu trong thời gian tới là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt, nhưng cũng đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao chất lượng và tập trung hơn vào thị trường trong nước.

Khi người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, doanh nghiệp đổi mới để đáp ứng nhu cầu và Chính phủ cùng với tỉnh hỗ trợ bằng những chính sách phù hợp, nền kinh tế có thể vượt qua khó khăn và phát triển theo hướng bền vững hơn.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126545//chu-dong-tieu-dung-noi-dia