Sắc đỏ áp đảo, VN-Index giảm gần 14 điểm
Áp lực bán dâng cao đã đẩy nhiều nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, tập trung mạnh vào các cổ phiếu thuộc nhóm khu công nghiệp, cao su, dầu khí... VN-Index giảm 13,65 điểm (-1,1%) xuống 1.227,79 điểm.
Sau chuỗi ba phiên tăng điểm, bước sang phiên giao dịch ngày 15/4, thị trường ghi nhận diễn biến kém tích cực khi áp lực bán gia tăng trở lại, đặc biệt trong nửa sau của phiên. Dù mở cửa với nhịp điều chỉnh mạnh, chỉ số vẫn kịp phục hồi và nhích lên trên mốc tham chiếu nhờ lực cầu xuất hiện ở một số thời điểm. Tuy nhiên, xu hướng này không duy trì được lâu khi lực cung áp đảo dần khiến thị trường quay đầu giảm điểm.
Sang đến phiên chiều, giao dịch có phần thận trọng hơn là lực bán chiếm ưu thế hơn đáng kể. VN-Index có lúc giảm đến hơn 19 điểm, nhưng lực cầu mua giá thấp vẫn còn tương đối mạnh nên giữ cho chỉ số không xuống sâu hơn.
Tâm lý thận trọng bắt đầu chiếm ưu thế sau ba phiên hồi phục liên tiếp trước đó, với biên độ biến động gia tăng khá lớn. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới, nhà đầu tư có xu hướng tranh thủ chốt lời ngắn hạn, đặc biệt tại vùng giá cao, khiến trạng thái giằng co nhanh chóng chuyển sang tiêu cực. Dòng tiền không còn lan tỏa như các phiên trước mà chủ yếu xoay vòng trong phạm vi hẹp. Mặc dù vậy, thị trường vẫn giữ được sự chủ động nhất định ở một vài thời điểm với lực cầu nâng đỡ vừa đủ để hạn chế đà giảm sâu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,65 điểm (-1,1%) xuống 1.227,79 điểm. HNX-Index giảm 4,76 điểm (-2,21%) xuống 210,24 điểm. UPCoM-Index giảm 0,73 điểm (-0,8%) xuống 91,03 điểm.
Số mã giảm áp đảo trong phiên hôm nay với 543 mã, trong khi chỉ có 235 mã tăng giá. Toàn thị trường ghi nhận 25 mã tăng trần nhưng cũng có 23 mã giảm sàn.
Lực bán trong phiên hôm nay tập trung mạnh vào các cổ phiếu thuộc nhóm khu công nghiệp, cao su, dầu khí, hay nhóm Viettel như VTP, CTR… Tại nhóm khu công nghiệp, các cổ phiếu như KBC, SZC và SIP đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, IDC giảm đến 7,75%, BCM giảm 6,6%, LHG giảm 6,74%.
Nhóm cao su ghi nhận ba mã giảm sàn là PHR, DPR và GVR. Cùng với đó, TRC giảm 5,9%, DRI giảm 3,8%... Tại nhóm Viettel, VTP giảm sàn về 103.900 đồng/cổ phiếu, CTR giảm 3,7%, VGI giảm 3,8%, VTK giảm 4,2%.

Các cổ phiếu tác động mạnh nhất đến VN-Index
Trong nhóm VN30, VCB là cổ phiếu có tác động tích cực nhất và góp phần nâng đỡ thị trường chung. VCB chốt phiên tăng 1,18% và đóng góp 1,39 điểm cho VN-Index. VIC cũng đóng góp 0,82 điểm. VIC trong phiên có thời điểm được kéo lên mức giá trần, tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh đã khiến cổ phiếu này suy yếu và đóng cửa phiên chỉ còn tăng 1,29%. Tương tự, VHM cũng tăng 0,52% trong khi có lức tăng đến 5,8%.
Ở chiều ngược lại, GVR và BCM là hai cổ phiếu đóng góp nhiều điểm giảm nhất cho VN-Index. Cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) lấy đi 1,7 điểm còn Becamex (BCM) lấy đi 0,99 điểm. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như TCB, FPT, BID, VPB… cũng chìm trong sắc đỏ và gây áp lực lớn lên thị trường chung.
Thanh khoản thị trường ở mức tương đương phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 1,07 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 24.216 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 22.761 tỷ đồng, tăng 2%. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.336 tỷ đồng và 531 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại
Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) đứng đầu về giao dịch toàn thị trường với gần 1.300 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất đạt mức thanh khoản trên nghìn tỷ đồng. VHM và FPT đứng sau với giá trị lần lượt 938 tỷ đồng và 895 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng trở lại hơn 100 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã HPG với 246 tỷ đồng. Tiếp sau đó, MWG và VCB cũng đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 91 tỷ đồng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sac-do-ap-dao-vn-index-giam-gan-14-diem-d268437.html