Chủ động trở thành mẹ chồng hạnh phúc
Chìa tay ra trước nắm tay con dâu không xấu, nó chỉ khiến bạn nhận được sự tôn trọng, vị nể của con dâu và khiến mình trở thành người mẹ chồng hạnh phúc...
Hồi con trai mới cưới vợ, nhìn chị Vương Thị Nhường (thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) và cô con dâu quấn quýt, nhiều người chép miệng: "Gớm, dâu mới thôi chứ làm gì có chuyện mẹ chồng - nàng dâu thắm thiết như mẹ đẻ - con gái". Nhưng đến bây giờ, sau 5 năm, chị Nhường đã lên chức bà nội, tình cảm mẹ chồng - nàng dâu vẫn tốt đẹp.
Theo chia sẻ của chị Nhường, danh từ "con trai", "con gái", "con dâu", "con rể" chỉ là cách gọi mà thôi. Khi con cái lấy chồng, lấy vợ là chúng ta đang được cuộc đời tặng thêm cho những đứa con. Nghĩ như vậy, chúng ta sẽ hân hoan, hạnh phúc vô cùng. Và khi bản thân ta cảm thấy hạnh phúc thì sẽ luôn đối xử bao dung, chăm lo và yêu thương các con dâu, rể vô điều kiện.
Chính từ quan điểm cởi mở này mà chị Nhường chưa bao giờ có sự phân biệt đối xử với con dâu. Trên cương vị một người mẹ, chị không "nhìn con dâu ứng xử với mình" mà chủ động trò chuyện, gần gũi với con.
Hồi cưới vợ cho con trai, biết con dâu mới về sống chung với gia đình nhà chồng sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, chị Nhường tận tình chỉ bảo con từng li từng tí - từ thói quen sinh hoạt, nếp sống của mỗi thành viên trong gia đình đến mối quan hệ với họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng. Nhờ vậy, con dâu của chị Nhường thích nghi với nếp nhà chồng rất nhanh.
"Để nuôi dạy một cô gái trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định, bố mẹ đẻ cô ấy phải mất bao nhiêu công chăm sóc, chịu vất vả, hy sinh vì con. Vậy mà tự nhiên một ngày, bà mẹ chồng chẳng nuôi nấng ngày nào lại được hẳn một người con cùng mình chăm lo cho gia đình, chia ngọt sẻ bùi với con trai mình, yêu thương gắn bó với gia đình mình, sinh cho mình những đứa cháu đáng yêu...
Rõ ràng là mẹ chồng đang được "hưởng lợi" rất nhiều. Vậy chúng ta phải biết trân trọng, chủ động chăm lo cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngày thêm thắm thiết chứ", chị Nhường bày tỏ.
Ngay từ đầu, không có tư tưởng dâu con nên mẹ con chị Nhường thường xuyên tâm sự và chia sẻ với nhau. Có những lúc chị bất đồng quan điểm với chồng, chưa hài lòng với con trai, gặp điều nọ tiếng kia trong cuộc sống, khúc mắc trong công việc… thì con dâu chính là "bạn tâm tình" của chị.
Thấy mẹ chồng cởi mở, con dâu cũng không giữ ý, giấu giếm suy nghĩ, tình cảm của mình. Chị Nhường rút ra kinh nghiệm: chỉ có việc tích cực trò chuyện mới giúp cho mẹ con thấu hiểu và đồng cảm với nhau nhiều hơn. Thế nên, trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, chị luôn thấy mình rất hài lòng và hạnh phúc.
Thực tế, có nhiều bà mẹ chồng niềm nở, vui vẻ với người ngoài, dễ dãi với con gái, con trai nhưng lại khắt khe, chấp trách, khó bỏ qua lỗi của con dâu. Chẳng có lý do gì mà cùng một lỗi nhưng với con trai, con gái thì thấy cái lỗi đó bình thường còn với con dâu, con rể thì lại thấy "không thể chấp nhận được". Khi những điều nhỏ nhặt tích tụ thành sự ức chế thì chuyện bé ắt bị xé ra to.
"Muốn mình luôn là một bà mẹ chồng hạnh phúc thì đừng yêu cầu con dâu phải "cải thiện" mối quan hệ với mình trước mà hãy chủ động để hòa hợp với con dâu. Khi có khúc mắc với nhau, chẳng có lý do gì mà mẹ chồng lại chỉ trông chờ con dâu chủ động xin lỗi thì mình mới tha thứ.
Chìa tay ra trước nắm tay con dâu không phải là vì mình yếu thế, nó chỉ khiến bạn nhận được sự tôn trọng, vị nể của con dâu và khiến mình trở thành người mẹ chồng hạnh phúc", chị Nhường nêu quan điểm của mình.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chu-dong-tro-thanh-me-chong-hanh-phuc-20240702172450831.htm