Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai

Ngày 22/7, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (ƯPVBĐKH-PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo) chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác ƯPVBĐKH-PCTT,TKCN&PTDS 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 8 vụ mưa lớn kèm theo lốc, sét, gió mạnh làm chết 1 người (sét đánh), sập hoàn toàn 1 căn nhà và 1 cơ sở sản xuất, tốc mái 47 căn (45 căn nhà ở, 1 nhà lưới và 1 phần mái trụ sở cơ quan), đổ ngã 4 trụ điện, 1 cổng chào ấp văn hóa, 206 cây lâu năm, cây ăn trái và 10,2ha chuối đang thời kỳ ra trái, ước thiệt hại do mưa dông khoảng 1,87 tỷ đồng.

Sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, trên sông Tiền và sông Hậu xảy ra 3 vụ sạt lở tại các xã: Mỹ An Hưng A, Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) và xã Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh) với chiều dài sạt lở 90m, diện tích sạt 908m2 , sạt lở dạo (ăn mòn đất) xảy ra ở 6 xã của huyện Thanh Bình với chiều dài khoảng 14,33km, diện tích sạt 0,2866ha, ước thiệt hại là 755 triệu đồng. Đồng thời xảy ra 20 vụ sạt lở, sụp lún với chiều dài 654m, diện tích 1.812m2 làm ảnh hưởng trực tiếp đến 6 hộ dân, trong đó sập ½ căn nhà (căn bếp), tháo dỡ di dời 5 căn nhà, ước thiệt hại là 422 triệu đồng. Sạt lở, sụp lún xảy ra hư hỏng 5 vị trí đường giao thông nông thôn (các xã: Phú Long, An Nhơn, Phú Hựu, huyện Châu Thành) với chiều dài 119m, ước thiệt hại khoảng 714 triệu đồng.

Theo Ban chỉ đạo ƯPVBĐKH-PCTT,TKCN&PTDS, năm 2024, hoạt động bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm diễn biến phức tạp. Trong đó, có khoảng 10 - 12 cơn trên Biển Đông, đặc biệt có khoảng 5 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của triều cường và lũ từ thượng nguồn về, từ tháng 7, mực nước các nơi trong tỉnh sẽ lên cao dần. Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, thiên tai.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo các ngành hữu quan, địa phương không chủ quan, lơ là với thiên tai; chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai, căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng các biện pháp chủ động ứng phó ngay từ đầu. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương cần quan tâm siết chặt tình hình xây dựng nhà trên các tuyến kênh rạch; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, có phương án dự báo, hướng dẫn người dân thực hiện phòng chống thiên tai, chằng néo nhà cửa, công trình và chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi có tình huống xấu xảy ra; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện phòng, chống thiên tai tại các địa phương. Các cơ quan thông tin cần quan tâm công tác tuyên truyền, cảnh báo nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ…

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/moi-truong/chu-dong-trong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-124139.aspx