Chủ động trong phòng, chống sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân
Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng phức tạp, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nguồn lực để xử lý, đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở. Các dự án sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ đời sống và sản xuất cho người dân.TẬP TRUNG NGUỒN LỰC XỬ LÝ SẠT LỞ
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, những năm gầy đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra, có chiều hướng gia tăng về cường độ lẫn phạm vi, mức độ ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Hằng năm, sạt lở thường xảy ra tại các huyện phía Tây của tỉnh.
Khu vực thường xuyên bị sạt lở là cặp các tuyến sông, kinh, rạch, gây ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân. Trước tình trạng trên, tỉnh đã tập trung nguồn lực để xử lý, đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở.
Cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) là khu vực bị sạt lở rất nghiêm trọng trong thời gian qua. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã đầu tư kè chống sạt lở tại khu vực này (đoạn 1, 2). Công trình sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn sạt lở.
Tuy nhiên, sạt lở lại tiếp tục xảy ra ở những đoạn lân cận. Trước tình hình trên, trong năm 2023, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương, tỉnh đã tiếp tục đầu tư kè chống sạt lở cù lao Tân Phong đoạn 3, 4. Trong đó, Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 3) có chiều dài 912 m.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng. Riêng Dự án Kè chống sạt lở tại xã Tân Phong (đoạn 4) có chiều dài 350 m, với tổng mức đầu tư 43,7 tỷ đồng. Sau thời gian tập trung triển khai thi công, 2 công trình kè này đã hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2023. Các công trình sau khi hoàn thành đã giúp cho người dân nơi đây vơi đi nỗi lo sạt lở, yên tâm sinh sống và sản xuất.
Bên cạnh cù lao Tân Phong, thời gian qua, cù lao Tân Long (TP. Mỹ Tho) cũng xảy ra sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Trước tình hình trên, các công trình kè chống sạt lở đã được tỉnh và Trung ương đầu tư.
Theo số liệu thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong khoảng 10 năm gần đây, toàn tỉnh xảy ra 1.197 điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch với chiều dài hơn 117 km, kinh phí khắc phục trên 2.403 tỷ đồng (trong vốn Trung ương hỗ trợ là 1.272 tỷ đồng). Riêng bờ biển Tiền Giang xảy ra 23 điểm sạt lở với tổng chiều dài 11,28 km.
Sạt lở làm xâm thực gây mất khoảng 700,36 ha rừng phòng hộ. Từ năm 2009 đến năm 2020, tỉnh đã kè bảo vệ mái đê biển Gò Công dài 11,28 km với tổng kinh phí thực hiện hơn 520 tỷ đồng.
Ngoài ra, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của tỉnh, từ năm 2016 - 2021, tỉnh đầu tư xây dựng 18 dự án kè sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 11,3 km, tổng kinh phí hơn 509 tỷ đồng.
Một trong những dự án mới được triển khai là công trình Kè phòng, chống sạt lở bờ sông Tiền đoạn cù lao Tân Long - tỉnh Tiền Giang thuộc Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Công trình có chiều dài khoảng 700 m, với tổng mức đầu tư khoảng 62 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 10-2022. Hiện tiến độ dự án đã đạt 83% và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7-2024.
Bên cạnh tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp, sạt lở bờ biển cũng đáng báo động trong thời gian qua. Tuyến đê biển Gò Công có tổng chiều dài 21,2 km, trong đó có hơn 11,2 km đê đã được xây dựng kè bảo vệ mái đê biển Gò Công.
Bên cạnh giải pháp kè cứng, từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh đã đầu tư kè gây bồi chống xói lở, gây bồi tạo bãi bờ biển có chiều dài 5 km, với kinh phí hơn 116 tỷ đồng. Hiện nay, công trình phát huy hiệu quả rất tốt, gây bồi phía bên trong công trình và cây rừng đã bắt đầu tái sinh.
Mới đây, Tiền Giang cũng đã triển khai Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê giảm sóng có chiều dài khoảng 5,4 km, nhằm mục tiêu chống sạt lở bờ biển tại đoạn từ cống Rạch Bùn đến bãi rác Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông).
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Đến cuối năm 2023, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bước đầu, dự án đã phát huy hiệu quả bước đầu, giúp bảo vệ đê biển Gò Công.
TIẾP TỤC ĐẦU TƯ CÁC CÔNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ
Hiện nay, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp; trong đó, có nhiều khu vực cần được đầu tư các công trình xử lý sạt lở khẩn cấp.
Theo ghi nhận, hiện tuyến kinh 28 (huyện Cái Bè) đang xảy ra nhiều đoạn sạt lở rất nghiêm trọng. Theo thống kê, hiện nay, kinh 28 thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 3,76 km.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2023, Tiền Giang được phân bổ 200 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ để thực hiện đầu tư Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách kinh 28.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư dự án trong tháng 6-2024. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai đầu tư kè chống sạt lở tại 10 đoạn cấp bách, là những đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất dọc theo 2 bờ kinh 28.
Bên cạnh tuyến kinh 28, hiện nay, bờ sông Tiền đoạn qua xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) đang bị sạt lở rất nghiêm trọng; trong đó, báo động nhất là khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ (ấp Khu Phố). Theo thống kê, hiện nay, sông Tiền chảy qua địa phận 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 4 km, nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 575 hộ dân sinh sống trong khu vực phía trong đê bao.
Do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên không đảm bảo kinh phí kịp thời khắc phục, sửa chữa công trình. Việc đầu tư xây kè xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh là rất cần thiết và cấp bách. Có như vậy mới đảm bảo cho người dân nơi đây an tâm sinh sống, sản xuất.
UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu của Đề án là chủ động nâng cao vai trò quản lý của các ngành, các cấp trong công tác theo dõi, đánh giá diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển; thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi ổn định an toàn. Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông… Nhiều giải pháp đã được tỉnh đưa ra và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương trong phòng, chống sạt lở.
Ngoài những dự án trên, hiện UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng kinh phí 1.020 tỷ đồng. Đó là các Dự án: Xói lở bờ biển Gò Công (đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ), huyện Gò Công Đông, chiều dài khoảng 7 km; Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 5), xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, chiều dài 1,4 km; Xói lở bờ sông Tiền (đoạn đầu Vàm Kỳ Hôn, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) - đoạn 2, chiều dài 1,3 km; Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Long (đoạn 7), phường Tân Long, TP. Mỹ Tho, chiều dài 1,7 km; Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phú Đông, xã Tân Thới, chiều dài 1 km, kinh phí 125 tỷ đồng; Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực bến phà Tân Long, huyện Tân Phú Đông, chiều dài 1 km.
Đây là những dự án mang tính cấp bách, cần được Trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.