Chủ động ứng phó biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2
Chưa ghi nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay qua giám sát dịch tễ của vi rút SARS-CoV-2, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana (châu Phi) vào ngày 24-11 có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của vi rút SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta và có thể phát hiện bằng phương pháp xét nghiệm PCR.
Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến, đi về từ các quốc gia trên.
Ngành y tế kiểm tra các khâu tổ chức cách ly cho người nước ngoài tại khách sạn Saigon Park Resort, TP.Thuận An
“Trước sự đe dọa biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Bộ yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Đặc biệt, bộ có văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch bệnh”, GS.TS. Trần Văn Thuấn nói.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Chuyên gia hô hấp và hồi sức nội khoa, Giáo sư y khoa kiêm nhiệm Đại học Penn State, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Cố vấn y khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, hiện những điều thế giới biết về biến chủng Omicron còn rất ít, chủ yếu ghi nhận ở các nước Nam châu Phi, chưa có dữ liệu về dịch tễ, khả năng lây lan cũng như độc lực của vi rút. Vi rút luôn luôn đột biến và tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế) là khâu quan trọng hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, chúng ta cần tuân thủ tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19. Hơn hết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường, người dân cần nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết.
Chủ động ứng phó
Trao đổi với chúng tôi việc thực hiện văn bản của Bộ Y tế về ứng phó biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sự xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 trên thế giới đặt ra yêu cầu tỉnh phải chủ động chuẩn bị các tình huống, kịch bản, kế hoạch, tránh bị động, lúng túng. UBND tỉnh giao Sở Y tế theo dõi sát sao diễn biến của biến chủng mới để kịp thời cảnh báo và có các biện pháp ứng phó. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch ứng phó trong tình huống xuất hiện biến chủng này.
Lực lượng công an tăng cường quản lý người nhập cảnh vào tỉnh. Các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý những thông tin sai trái, không đúng sự thật. Ngành y tế củng cố hệ thống y tế cơ sở từ cấp huyện, thị, thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn trong các mặt: Lực lượng, chế độ chính sách, kế hoạch, kịch bản ứng phó, truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cấp cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Covid-19 trước biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng. Các địa phương cũng cần triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Hiện các chuyên gia từ nước ngoài về Bình Dương làm việc vẫn được cách ly theo đúng quy định phòng, chống dịch bệnh. Lúc này, ngành y tế cần tiếp tục cảnh giác với biến chủng mới và theo sát các thông tin diễn biến.
“Trước mắt, Sở Y tế phối hợp với các huyện, thị, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện quy chế phối hợp quản lý, tổ chức chăm sóc F0 tại nhà và tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; rà soát việc tiếp nhận và bố trí lực lượng cho các trạm y tế lưu động; củng cố lực lượng y tế cơ sở, phát huy hiệu quả đội ngũ bác sĩ, y sĩ, dược sĩ tư vấn chăm sóc, điều trị tại nhà. Các ngành, địa phương rà soát danh sách người dân, bảo đảm tiêm đủ vắc xin, không để sót; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cung cấp thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc cho các F0 được chăm sóc, điều trị tại nhà”, ông Võ Văn Minh nói .
Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch bệnh.