Chủ động ứng phó cháy rừng trong dịp Tết

Những năm gần đây, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh tăng, nắng nóng, khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao. Phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh về vấn đề này.

Tuần tra, bảo vệ rừng.

Tuần tra, bảo vệ rừng.

Phóng viên: Trước hết, xin ông đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng trong mùa hanh khô năm 2019 - 2020?

Ông Nguyễn Xuân Sâm: Lào Cai có 348.834,9 ha rừng, gồm gần 268.339 ha rừng tự nhiên và hơn 80.496 ha rừng trồng. Do nằm giữa 2 vùng khí hậu Đông Bắc và Tây Bắc, cùng phần lớn diện tích rừng nằm trong vùng núi cao, đặc biệt là dãy Hoàng Liên, trong đó huyện Văn Bàn, huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa chịu ảnh hưởng của gió Tây (gió phơn) nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Toàn tỉnh có 216.543,9 ha rừng và đất lâm nghiệp, gồm 157.791 ha rừng tự nhiên, 28.286 ha rừng trồng, 30.467 ha thảm thực bì cỏ tranh, lau lách có nguy cơ xảy ra cháy rất cao.

Về yếu tố xã hội, cộng đồng dân cư sống trong rừng và gần rừng phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều tập quán sản xuất, sinh hoạt có thể gây tác động xấu đến rừng như khai thác lâm sản phục vụ đời sống thường ngày; phát, đốt nương; đốt bãi chăn thả gia súc; đốt lửa cầu may đầu năm. Sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm bà con các dân tộc vùng cao sản xuất nương, đốt dọn thực bì để canh tác, trồng rừng, nếu không được kiểm soát tốt thì đây là nguyên nhân chính gây cháy rừng.

Phóng viên: Cơ quan kiểm lâm tỉnh nhận định như thế nào về nguy cơ cháy rừng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Sâm: Là lực lượng chuyên ngành về phòng, chống cháy rừng nên cơ quan kiểm lâm các cấp thường xuyên phân công cán bộ thường trực vào các ngày nghỉ, lễ, tết để làm nhiệm vụ.

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, theo dự báo có đợt rét đậm, rét hại, đồng thời tháng 2 dương lịch là tháng khô kiệt. Bên cạnh đó, đợt rét đậm, rét hại có băng giá, sương muối vào đầu tháng 12/2019 vừa qua đã làm lá cây rừng, thảm thực bì trên địa bàn vùng cao của tỉnh bị khô nỏ. Ngoài ra, các hoạt động của con người trong dịp Tết cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa với rừng, như đốt lửa sưởi, đốt ong, đốt xử lý thực bì trong rừng và ven rừng. Vì vậy, có thể nhận định thời gian trước, trong và đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Canh Tý có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là tại các huyện Văn Bàn, Bát Xát và thị xã Sa Pa.

Phóng viên: Phương án phòng, chống cháy rừng trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý được ngành kiểm lâm tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Sâm: Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019 - 2020, đặc biệt là trong thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Tham mưu xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các địa phương, chủ rừng là tổ chức, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm như Văn Bàn, Bát Xát, Bắc Hà và Sa Pa.

Chỉ đạo các hạt kiểm lâm tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng ở địa phương, trong đó chú trọng kiện toàn ban chỉ đạo các cấp và lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở; duy tu, bảo dưỡng các công trình, trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng; điều chỉnh, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát, bố trí thêm các chốt, trạm ở các địa bàn xung yếu, duy trì lực lượng thường trực để kiểm soát cháy rừng. Mặt khác, tăng cường dự báo, cảnh báo cháy rừng và quản lý việc đốt nương, đốt xử lý thực bì trong rừng, ven rừng; tổ chức ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh để xác định, trình UBND tỉnh công bố cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh (từ cấp III trở lên), đồng thời liên tục thông tin, cảnh báo hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng khi dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V để các cấp, các ngành, chủ rừng và nhân dân biết, chủ động phòng cháy và ứng phó cháy rừng hiệu quả.

Phóng viên: Đó là nhiệm vụ trước mắt, còn nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng cho cả mùa khô năm 2019 - 2020 được ngành kiểm lâm tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Sâm: Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, triển khai tới các cấp, ngành liên quan, chủ rừng trên địa bàn thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị số 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, văn bản số 5792 ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, chủ rừng, ngành chức năng có liên quan với kết quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tới người dân, trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm, cộng đồng sống trong rừng, gần rừng. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, sẵn sàng ứng phó kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo; thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm. Ban chỉ đạo các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, chủ rừng để kịp thời phát hiện, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
THANH NAM (thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/chu-dong-ung-pho-chay-rung-trong-dip-tet-z3n20200118090340502.htm