Chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai

Là địa bàn rộng với đa dạng địa hình, dân cư đông nên để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, TP. Huế triển khai phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) theo từng cấp độ rủi ro đối với các vùng sạt lở núi, bờ sông, bờ biển đến tận thôn, tổ dân phố, hộ dân; đồng thời triển khai phương án cứu hộ, cứu trợ với phương châm không để người dân bị đói, rét sau lũ.

 Các địa phương hỗ trợ người dân di dời từ vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Ảnh: Tư liệu

Các địa phương hỗ trợ người dân di dời từ vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Ảnh: Tư liệu

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu

Thuận An là địa phương ven biển, trong đó người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy, hải sản, có số lượng tàu thuyền nhiều. Vì vậy, công tác PCLB&TKCN luôn được địa phương đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các phương tiện đánh bắt. Thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó lấy công tác phòng là chính, phường đã chủ động xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN theo nguyên tắc “5 tại chỗ” đối phó với những diễn biến phức tạp khó lường của thời tiết trong năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, ông Huỳnh Văn Thông, ngay từ sớm, phường đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT) - TKCN và phân công nhiệm vụ các thành viên phụ trách địa bàn các tổ dân phố; củng cố 3 tổ lực lượng thường trực sẵn sàng ứng cứu tại cơ quan HĐND và UBND, nhà văn hóa và Công an phường. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện, Cảng vụ hàng hải Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc hoạt động thông suốt trong mọi tình huống, thực hiện chế độ giao ban trong thiên tai, bố trí phương tiện, lực lượng trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu, di chuyển người và tài sản.

 Lãnh đạo TP. Huế kiểm tra công tác PCLB ở phường Thuận An

Lãnh đạo TP. Huế kiểm tra công tác PCLB ở phường Thuận An

Riêng các tổ dân phố vùng thấp trũng thường ngập lụt, như: Diên Trường, Tân An, Tân Dương, Tân Mỹ… bố trí phương tiện tại chỗ và lực lượng sẵn sàng cứu hộ, sơ tán dân đến nơi an toàn; Ban Chỉ huy PCGNTT phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Thuận An, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi có thông báo lụt, bão và áp thấp nhiệt đới đang hoạt động, khi có dự báo thiên tai xảy ra tùy theo mức độ dự báo để triển khai công tác PCTT kịp thời.

Cùng với Thuận An, các địa phương trên địa bàn TP. Huế đặt nhiệm vụ PCLB&TKCN là nhiệm vụ then chốt và triển khai các giải pháp với mục tiêu hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ứng phó theo từng cấp độ

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song cho rằng, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, thành phố triển khai các phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro, đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, khả năng ứng phó với thiên tai của thành phố và các địa phương. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố chỉ đạo các đơn vị, ban ngành, Chủ tịch UBND 36 phường, xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó mức độ ngập lụt theo các kịch bản và nội dung của phương án.

Đối với UBND 36 phường, xã, triển khai phương án phòng, chống lũ, lụt, sạt lở núi, bờ sông, bờ biển đến tận thôn, tổ dân phố, hộ dân khi có lũ xảy ra phải triển khai kịp thời phương án, nắm chắc các hộ dân, số người, nơi đi, nơi đến, khẩn cấp sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí nơi ở cho dân, tổ chức sơ, cấp cứu kịp thời người bị nạn, triển khai ngay việc cứu hộ, cứu trợ đảm bảo không để dân bị đói, rét. Đồng thời, rà soát, xác định các khu vực bị ảnh hưởng ở địa bàn các phường, xã, có nhà bán kiên cố, nhà tạm, nhất là các phường, xã có vùng thấp trũng phải sơ tán nếu bão đổ bộ, trong đó chú trọng đến các đối tượng dễ bị tổn thương, người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, các vùng được xác định là trọng điểm phải triển khai di dời dân. Số lượng di dời, sơ tán dân trên địa bàn thành phố theo phương án ứng với cấp bão từ cấp 8 -11 là khoảng 4.548 hộ/16.467 khẩu, trong đó sơ tán tại chỗ 2.894 hộ/10.169 khẩu, số người cần di dời, sơ tán do bão mạnh khoảng 1.654 hộ/6.298 khẩu; tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp không thực hiện sơ tán.

Theo ông Trần Song, công tác khắc phục hậu quả cũng được thành phố chú trọng, trong đó thành phố huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm, tổ chức khắc phục hậu quả; vận động, tiếp nhận và phân phối kịp thời các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại nhằm sớm ổn định cuộc sống. Thành phố tổ chức lực lượng xung kích, tình nguyện giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa, xây dựng lại nhà ở cho dân; huy động nguồn lực tổ chức thu dọn cây xanh, cột điện, công trình, thiết bị ngã đổ; sửa chữa trường học, bệnh viện, các công trình bị hư hỏng tại vùng bị ảnh hưởng của bão lũ.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/chu-dong-ung-pho-khac-phuc-thien-tai-145990.html