Anh nỗ lực cải thiện vị thế nhờ hàn gắn với EU

Thủ tướng Anh Keir Starmer nhậm chức vào đầu tháng 7 vừa qua. Từ đó đến nay, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhưng ông Starmer đã tiến hành nhiều chuyến công du. Giới quan sát nhìn nhận, điều này thể hiện mong muốn cải thiện các mối quan hệ ngoại giao cũng như điều chỉnh những khác biệt giữa Anh và các đối tác quan trọng.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (bên trái) và Thủ tướng Ireland Simon Harris trong cuộc gặp tại Ireland vào ngày 7/9. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Keir Starmer (bên trái) và Thủ tướng Ireland Simon Harris trong cuộc gặp tại Ireland vào ngày 7/9. Ảnh: Reuters

Tìm “lối thoát” cho hàng loạt vấn đề gai góc

Chuyến công du gần đây nhất của tân Thủ tướng Anh là tới Mỹ trong tuần trước, nơi ông Starmer dành nhiều thời gian thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden về hàng loạt vấn đề chính sách đối ngoại. Đây là chuyến thăm Mỹ thứ 2 của ông Starmer kể từ khi nhậm chức vào đầu tháng 7.

Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu rộng về hàng loạt vấn đề chính sách đối ngoại. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của mình đối với các vấn đề an ninh quốc tế. Đồng thời bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với những diễn biến phức tạp, những hiểm họa tiềm tàng đe dọa đến trật tự, an ninh của thế giới.

Nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Anh, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh dành nhiều thời gian thảo luận về hợp tác năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến; hợp tác trong khuôn khổ liên minh Australia - Anh - Mỹ (AUKUS); các cơ hội tăng cường mối quan hệ kinh tế chặt chẽ Mỹ - Anh; hợp tác trong chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...

Việc có tới 2 lần hội đàm với ông Joe Biden chỉ trong khoảng 2 tháng đã cho thấy rõ mong muốn Anh và Mỹ gắn kết mạnh mẽ hơn. Điều này giúp thúc đẩy nội lực của quốc gia châu Âu vừa rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đối mặt với hàng loạt vấn đề hệ lụy gai góc.

Bên cạnh đó, mong muốn quan trọng bậc nhất của tân Thủ tướng Anh hiện nay là cải thiện mối quan hệ với các quốc gia thành viên EU vốn đã bị rạn nứt sau khi Anh rời EU (Brexit). Điều này được thể hiện tương đối rõ nét trong các chuyến thăm Ireland của ông Starmer vào ngày 7/9. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Anh tới Ireland trong 5 năm qua. Vì vậy, chuyến thăm này được coi là dấu mốc mang tính lịch sử, mở ra triển vọng cải thiện mối quan hệ Anh - Ireland vốn có nhiều sóng gió trong những năm gần đây.

Truyền thông Anh cho biết, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Simon Harris, Thủ tướng Anh đã cam kết thiết đặt lại mối quan hệ Anh - Ireland. Đặc biệt nhấn mạnh rằng, hai quốc gia có tiềm năng hợp tác rất lớn. Thủ tướng Anh đề nghị hai quốc gia cùng xác định phương hướng cụ thể để cải thiện quan hệ. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng, hai nước sẽ gắn kết hơn nữa thông qua các giá trị về hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị.

Nhất trí với ông Starmer, Thủ tướng Ireland bày tỏ mong muốn, quan hệ song phương giữa hai quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thương mại, đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Trước Ireland, Thủ tướng Anh đã thăm “đầu tàu” của EU là Pháp và Đức với hy vọng tạo ra lợi thế phát triển nội lực đất nước, cũng như tăng cường hợp tác giữa Anh với các cường quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tái thiết và củng cố vị thế toàn cầu

Giới quan sát chính trị châu Âu nhìn nhận, sau khi Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn và trở lại nắm quyền, Thủ tướng Starmer bắt đầu tìm cách hợp tác tốt hơn với EU. Quyết định trưng cầu dân ý vào năm 2016 và rời khỏi EU đã gây ra căng thẳng cho quan hệ Anh - Ireland. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là các quy tắc thương mại chi phối Bắc Ireland - một phần của Vương quốc Anh và là khu vực có biên giới trên bộ với Ireland đã trở thành điểm bế tắc trong quan hệ song phương.

Trong tuyên bố trước thềm chuyến thăm Ireland, Thủ tướng Anh khẳng định, mối quan hệ Anh - Ireland chưa bao giờ đạt đến tiềm năng tối đa. Thực tế hiện nay, giới chuyên gia chỉ ra rằng, lãnh đạo cả hai quốc gia đều mong muốn cùng hợp tác sâu sắc hơn nữa để tiến những bước mạnh mẽ tới tương lai thịnh vượng. Trong chuyến thăm vừa qua, hai nhà lãnh đạo cũng đã cho thấy nhiều thiện chí, đặc biệt là việc tiếp xúc với các doanh nghiệp, một động thái cụ thể khởi nguồn các động lực hợp tác.

Bình luận về cách tiếp cận của Thủ tướng Keir Starmer đối với chính sách đối ngoại, giới chuyên gia cho biết, bao trùm đường lối của tân Thủ tướng là mong muốn tái thiết và củng cố vị thế toàn cầu của Anh, song hành với việc quản lý hiệu quả hơn sự phức tạp trong mối quan hệ với EU. Ông Starmer liên tục nhấn mạnh cách tiếp cận cân bằng đối với quan hệ quốc tế, kết hợp chủ nghĩa thực dụng với cam kết duy trì các giá trị lâu đời của Anh.

Trở lại với thời kỳ trước khi Anh rời EU, với tư cách là người lãnh đạo phe đối lập, ông Starmer là một trong những tiếng nói nổi bật nhất ủng hộ Brexit “mềm”, liên tục thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ hơn với EU so với người tiền nhiệm trong đảng Bảo thủ.

Giờ đây, với tư cách là Thủ tướng, ông Starmer phải đối diện với nhiệm vụ phức tạp là quản lý đất nước “hậu Brexit” với nỗ lực hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với EU. Ông Starmer đã hứa sẽ không xem xét lại vấn đề tái gia nhập EU, tuyên bố rằng, trọng tâm của ông là làm cho Brexit hiệu quả. Chính phủ của ông Starmer có kế hoạch ổn định vai trò mới của Anh trên thế giới bằng cách theo đuổi các thỏa thuận thực dụng, cùng có lợi với EU về các lĩnh vực như thương mại, an ninh, môi trường... Đồng thời thể hiện rõ nét ý định tăng cường quan hệ với từng quốc gia thành viên EU, thúc đẩy mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn để tăng cường hợp tác.

Trong hơn 2 tháng ngồi vào “ghế nóng”, ông Starmer thể hiện rõ xu hướng tìm kiếm quan hệ đối tác thương mại mạnh mẽ hơn với EU, tập trung vào việc giảm các rào cản thương mại đã gây tổn hại cho doanh nghiệp sau Brexit. Ông Starmer cũng cam kết đàm phán lại các khía cạnh của Thỏa thuận thương mại Anh - EU để giúp các công ty Anh xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia EU dễ dàng hơn. Đồng thời cải thiện vị thế của Anh trong các lĩnh vực kinh tế, nơi thỏa thuận Brexit đã dẫn đến những thách thức đáng kể.

Trao đổi với Thủ tướng Ireland Simon Harris, Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định, Anh không còn là thành viên của EU nhưng Anh luôn mong muốn xây dựng quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn với tất cả các quốc gia thành viên của EU.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-no-luc-cai-thien-vi-the-nho-han-gan-voi-eu-post481059.html