Chủ động ứng phó khi thời tiết ngày càng cực đoan

Hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phức tạp, khó lường. Xu hướng nhiệt độ trung bình tăng, nước biển dâng cao và hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn, cường độ cũng mạnh hơn đã và đang ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Thủ đô Hà Nội “hứng” nhiều trận mưa dông kèm sét ngay những ngày đầu tháng 6. Ảnh: Quang Vinh.

Thủ đô Hà Nội “hứng” nhiều trận mưa dông kèm sét ngay những ngày đầu tháng 6. Ảnh: Quang Vinh.

Trong 2 tuần đầu của tháng 6, tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc đã xảy ra mưa to đến rất to kèm rất nhiều cú sét đánh xuống đất.

Sét dồn dập và ý kiến từ cơ quan chức năng

Cụ thể, từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 5/6, hơn 10.200 tia sét xuất hiện trên bầu trời Hà Nội, trong đó hơn 7.000 tia đánh xuống mặt đất. Trong đó, từ 7 giờ đến 8 giờ (thời điểm nhiều dông sét nhất) có tới 2.855 cú sét. Chia trung bình, 10 phút có 475 cú sét đánh xuống đất tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận. Có thời điểm trong 1 giây có tới 10 cú sét được ghi nhận.

Mưa giông, sấm sét khiến người phụ nữ 30 tuổi, ở huyện Thanh Trì bị sét đánh trúng, phải cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim phổi... Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp.

Trước đó, ngày 19/5, khắp các tỉnh Bắc Bộ xảy ra mưa dông lớn kèm theo các hiện tượng bất ổn của thời tiết đã khiến 3 người bị sét đánh tử vong. 3 nạn nhân là: Bà L.T.N. (sinh năm 1962), bị sét đánh khi đang làm đồng tại thôn Yên Bằng (xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa); chị B.T.P. (sinh năm 2000), bị sét đánh khi tham gia giao thông trên tuyến đường nối thành phố Thanh Hóa đi Nghi Sơn (xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa); anh N.V.T. (sinh năm 1985, trú tại xóm Bồi, xã Giao Phong) khi đang di chuyển qua khu vực xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định thì bị sét đánh, dẫn đến tử vong.

Còn tại Quảng Ninh, ngày 6/5/2024 cũng có mưa dông và sét đã gây thiệt hại về người. Theo đó, khoảng 5 giờ ngày 6/5/2024, tại thị xã Quảng Yên xảy ra mưa dông kèm theo sấm sét. Lúc này, ông N.V.N. (45 tuổi) cùng vợ là bà H.T.H. (trú tại thôn Bấc, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên) đang đánh bắt thủy sản trong rừng ngập mặn thì bị sét đánh trúng. Sau vụ việc, ông N. tử vong tại chỗ, còn bà H. bị thương.

Sét đánh xuống Hà Nội trong cơn mưa giông ngày 26/5. Ảnh: Vũ Anh.

Sét đánh xuống Hà Nội trong cơn mưa giông ngày 26/5. Ảnh: Vũ Anh.

Tiếp đó, đợt mưa lớn từ ngày 8 đến 10/6 tại Bắc Bộ cũng xảy ra đợt mưa lớn trên diện rộng. Đây là lượng mưa lớn trong tháng 6 này. Mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang và một số nơi ở vùng núi phía Bắc. Đặc biệt tại Hà Giang, trận mưa lớn đã tạo nên trận lũ lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Nhiều người dân không kịp trở tay vì nước dâng quá nhanh. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tính đến trưa ngày 11/6, đợt mưa lớn đã gây ngập úng diện rộng, nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng. Mưa lũ làm 3 người chết. Ước tính thiệt hại lên đến hơn 60 tỷ đồng.

Nhận định về hiện tượng dông sét thời gian qua, ông Nguyễn Đức Phương - Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia (Tổng cục KTTV) cho rằng, số lượng sét ghi nhận tại Hà Nội và các vùng lân cận là hoàn toàn bình thường khi so sánh với số liệu thống kê một số đợt dông sét khác tại khu nam Đồng bằng Bắc bộ (trọng tâm tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam) và tại Yên Bái trước đó (từ 15 giờ đến 18 giờ ngày 19/5/2024). Đặc biệt khi so sánh với số liệu từ 16 đến 17 giờ ngày 19/5/2024, tại khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, trung bình có đến 3.040 cú sét/10 phút.

Được biết, Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia đang vận hành hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị, sét hiển thị website hymetnet.gov.vn. Trang web này có thể thực hiện việc theo dõi liên tục các thông tin về sét và rada thời tiết. Người dân có thể theo dõi các cảnh báo nguy cơ sét trên trang web và các vùng cảnh báo phản hồi vô tuyến mây của rada thời tiết. Người dân có thể tham khảo để có thể phòng, tránh các rủi ro do do dông sét gây ra.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng cho rằng, đợt mưa lớn xuất hiện thời gian này không phải bất thường, do trong tháng 6, khu vực Bắc Bộ vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa và chịu tác động của những đợt không khí lạnh có khả năng gây mưa lớn. Trung tâm vẫn có những cảnh báo sớm để các địa phương có thể đưa ra phương án phòng, chống thiên tai phù hợp.

Nhiều khu vực tại TP Hà Giang ngập sâu nghiêm trọng sau đợt mưa lớn từ ngày 9-10/6. Ảnh: Báo Hà Giang.

Nhiều khu vực tại TP Hà Giang ngập sâu nghiêm trọng sau đợt mưa lớn từ ngày 9-10/6. Ảnh: Báo Hà Giang.

Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo

Dự báo về tình hình thiên tai đến cuối năm 2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường cho hay, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan (gồm cả tối thấp và tối cao) nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai khí tượng thủy văn phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm. Bên cạnh đó, mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khá giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020.

TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai cũng đưa ra dự báo, giai đoạn cao điểm của La Nina là từ tháng 10 đến tháng 12, sẽ có lượng mưa trung bình chung cao hơn so với các năm trước. Nhìn vào các kịch bản dự báo xu hướng thì thấy lượng mưa cao hơn so với trung bình rất nhiều và không loại trừ khả năng sẽ có lụt lớn và mưa sau hoàn lưu bão. Năm nay sẽ có hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào khu vực Biển Đông và đất liền của Việt Nam. Do đó, ngoài việc ứng phó với giông, lốc, sét, mưa đá, nắng nóng... chúng ta cần phải chuẩn bị mọi phương án để ứng phó với bão lũ như: Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền cách chống chịu bão lũ cho người dân, gia cố nhà cửa, đê điều, vận động thay đổi tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

“Mỗi người dân, mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Biến những thích ứng tự phát của người Việt thành thích ứng có chiến lược dài hạn” - ông Huy nói và nhấn mạnh trước những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một gay gắt cần có biện pháp đối phó hiệu quả với những rủi ro này, thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, đánh giá rủi ro để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Giới chuyên gia cũng cho rằng cần tăng cường khả năng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại của mỗi khu vực có đặc thù riêng. Đây không còn đơn thuần chỉ là một công việc, mà là quá trình liên tục. Việc nâng cao nhận thức và chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp bảo vệ cuộc sống và tài sản của chúng ta, đồng thời xây dựng một tương lai bền vững và an toàn hơn.

Về dài hạn, kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng, là căn cứ để cơ quan chức năng xây dựng phương án thích ứng, giảm rủi ro cho từng khu vực, nhất là trong các quy hoạch phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta rất cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, và phát triển nông nghiệp bền vững. Bảo vệ rừng và hệ sinh thái biển đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 và duy trì sự cân bằng sinh thái. Đầu tư vào công nghệ xanh giúp tạo ra giải pháp hiệu quả hơn để giảm khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những chuyển động bất thường của thời tiết đang tạo sức ép buộc chúng ta phải chuyển động nhanh hơn, tích cực hơn trong các chương trình phát triển công nghệ, hướng về nền kinh tế giảm phát thải carbon.

Thống kê của Viện Vật lý địa cầu, mỗi năm ở nước ta có thể có 2 triệu cú sét đánh xuống đất, một số địa phương sét thường xuất hiện nhiều là Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo cơ quan Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, dông là một hiện tượng khí tượng, bao gồm sự phóng điện trong cùng một đám mây, giữa các đám mây hoặc giữa các đám mây với mặt đất... tạo ra hiện tượng chớp và sấm. Trường hợp phóng điện xảy ra giữa các đám mây và mặt đất gọi là sét. Sét có thể phát ra tia lửa điện và dòng điện đủ mạnh gây chết người hoặc cháy nhà cửa. Sét có thể đánh ở hầu hết mọi nơi, ngay cả trước, trong và sau khi mưa và nhắm vào bất cứ đối tượng nào khi có đủ yếu tố hình thành sét. Do vậy, khi thời tiết có mưa to và dông, mọi người cần tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa những khu vực sông nước, các khu vực nuôi trồng thủy sản để đề phòng sét đánh.

Hoàng Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-ung-pho-khi-thoi-tiet-ngay-cang-cuc-doan-10283375.html