Chủ động ứng phó mưa lũ diễn biến phức tạp

Hồ chứa nước Mỹ Lâm (huyện Tây Hòa) đang tích nước đạt đến cao trình 24,4m. Ảnh: ANH NGỌC

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, mực nước các sông ở mức báo động 1, có khả năng lên báo động 2. Các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã tích nước gần đạt dung tích thiết kế. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban ngành và địa phương triển khai phương án ứng phó mưa lớn, lũ, ngập lụt, nhất là các chủ hồ chứa nước thủy lợi cần vận hành, điều tiết nước hợp lý nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Các hồ thủy lợi đảm bảo an toàn

Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 51 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó hồ chứa nước Mỹ Lâm (huyện Tây Hòa) đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành và được cơ quan có thẩm quyền cho phép tích nước. Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Qua kiểm tra, không có hồ chứa nước thủy lợi nào thuộc diện hồ chứa xung yếu, hồ chứa bị hư hỏng có nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn cao. Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác các công trình thủy lợi từ nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm chỉ đủ chi cho công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên nên không có kinh phí để thực hiện đầy đủ các nội dung quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

Hồ chứa nước Mỹ Lâm được triển khai xây dựng trên diện tích hơn 477ha tại hai xã Hòa Thịnh và Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, dung tích hồ chứa khoảng 34,8 triệu m3 nước, dự kiến đến cuối tháng 12/2021 sẽ hoàn thành. Ông Lương Trần Thống Nhất, Giám sát trưởng công trình, cho biết: Công trình đầu mối hồ chứa nước Mỹ Lâm đến nay cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn một số hạng mục nhỏ. Hiện hồ chứa nước Mỹ Lâm đã được phép tích nước và đạt đến cao trình 24,4m, đơn vị đang tổ chức vận hành, điều tiết nước hợp lý nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và hạn chế thấp nhất gây ngập lụt ở vùng hạ du.

Theo ông Tạ Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), hồ chứa nước Mỹ Lâm đã tích nước nên hạn chế tình trạng ngập lụt cho địa phương. So với mọi năm thì từ đầu mùa mưa năm 2021 đến nay, địa phương chỉ xảy ra một đợt ngập lụt ở những khu vực trũng thấp và chỉ ngập một ngày đêm thì nước rút. Hồ chứa nước Mỹ Lâm khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng thiếu nước tưới cho khoảng 2.000ha lúa và hàng nghìn héc ta hoa màu, cây trồng khác. Đây là điều người dân địa phương mong đợi.

Triển khai phương án ứng phó

Hiện trên địa bàn tỉnh có 51 hồ chứa nước thủy lợi đang tích nước đạt khoảng 75-97% so với dung tích thiết kế. Tuy nhiên, tình hình thời tiết hiện nay khá phức tạp, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn nên các chủ hồ chứa nước thủy lợi cần tăng cường quản lý, vận hành, điều tiết nước nhằm bảo đảm an toàn cho hồ đập và hạn chế ngập lụt vùng hạ du. Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Phú Yên, hiện không khí lạnh ớ phía bắc đang di chuyển xuống phía nam và nhiễu động trong đới gió đông trên cao hoạt động mạnh. Dự báo khu vực Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, tổng lượng mưa từ 250-400mm, có nơi cao hơn 400mm. Mực nước các sông, suối trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1-2, có sông trên mức báo động 2, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa lớn trên diện rộng gây lũ lụt trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh kịp thời; kiểm tra, rà soát những khu vực thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất và chủ động phương án di dời sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn và đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực sơ tán dân tập trung.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, các địa phương cần tổ chức lực lượng để canh gác, kiểm soát chặt chẽ, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ và các khu vực bị sạt lở; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước ngập lụt, vớt củi trên các sông, suối. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước. Công tác vận hành các hồ chứa phải đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

Hiện nay, lũ ở một số sông trên địa bàn tỉnh xấp xỉ trên dưới báo động 1, riêng sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng trên báo động 1. Dự báo, mực nước trên sông Kỳ Lộ tiếp tục lên chậm và có khả năng đạt đỉnh ở mức 8,3m, dưới báo động 2 khoảng 0,2m. Từ nay đến ngày 1/12, trên các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông lên mức báo động 2 và trên báo động 2, riêng sông Kỳ Lộ lên mức báo động 2-3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn Phú Yên Đinh Công Danh

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/268038/chu-dong-ung-pho-mua-lu-dien-bien-phuc-tap.html