Chủ động ứng phó sạt lở đất trong mùa mưa bão

Các địa phương cần chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông, ao, hồ, kênh trục...

Cống Đầm Cả ở thôn Gồm, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) lấy nước từ sông Đĩnh Đào vào nội đồng là một trong nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao đã được gia cố bằng cọc tre

Cống Đầm Cả ở thôn Gồm, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) lấy nước từ sông Đĩnh Đào vào nội đồng là một trong nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao đã được gia cố bằng cọc tre

Để chủ động ứng phó với sạt lở đất, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão năm 2023 trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông, giáp sông, suối, ao, hồ, kênh trục...

TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn đặc biệt chú ý các khu dân cư, công trình, nhà xưởng giáp đồi, núi, các khu vực mỏ khai thác khoáng sản, các hồ đập có nguy cơ mất an toàn, để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Chủ động triển khai phương án phòng chống sạt lở đất, sẵn sàng theo phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra.

Chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng chống thiên tai theo kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với thiên tai đã được UBND tỉnh phê duyệt và kế hoạch, phương án của đơn vị đã xây dựng; bảo đảm an toàn cho công trình thuộc trách nhiệm quản lý và theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

Đợt mưa lớn từ ngày 20-26.6 vừa qua trên địa bàn Hải Dương với lượng mưa trung bình 148,2 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như Kinh Môn 269,5 mm, Chí Linh 194,5 mm, gây úng ngập cục bộ tại một số khu vực trũng, thấp. Mưa lớn làm đất bão hòa nước có thể gây hiện tượng sạt lở ở một số khu vực đồi, núi có độ dốc lớn, các khu vực khai thác khoáng sản, các khu dân cư, các công trình, dự án ở ngoài bãi ven sông, sát bờ sông, ven suối, ven các bờ kênh trục, các ao, hồ, đầm đe dọa mất an toàn tính mạng và tài sản.

VN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/chu-dong-ung-pho-sat-lo-dat-trong-mua-mua-bao-239145