Chủ động ứng phó trong mùa mưa bão

Ðể chủ động ứng phó trong mùa mưa bão năm 2019, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng đánh giá đúng mức hiện trạng đê điều, xây dựng phương án xử lý sát với thực tế, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện… nhằm bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.

Nhiều tuyến kênh mương tại Hà Nam được gia cố, bảo đảm công tác phòng, chống lụt bão.

Nhiều tuyến kênh mương tại Hà Nam được gia cố, bảo đảm công tác phòng, chống lụt bão.

Ðể chủ động ứng phó trong mùa mưa bão năm 2019, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng đánh giá đúng mức hiện trạng đê điều, xây dựng phương án xử lý sát với thực tế, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện… nhằm bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.

Hệ thống đê điều của tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài 362,98 km, trong đó, đê sông Hồng 38,973 km, đê sông Ðáy 49,516 km; còn lại là đê bối và các tuyến đê phụ khác. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng hệ thống công trình đê điều trước mùa mưa lũ năm 2019, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Hà Nam xác định, cống Mộc Nam và cụm công trình đầu mối cống, âu thuyền Tắc Giang, thuộc địa phận hai huyện Lý Nhân và Duy Tiên, là hai trọng điểm xung yếu trong mùa mưa bão năm nay. Với tính chất quan trọng của công trình, tỉnh Hà Nam chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, đơn vị trực tiếp bảo vệ, vận hành cụm công trình đầu mối cống, âu thuyền Tắc Giang chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó sự cố. Ðặc biệt, khi vào mùa mưa lũ, công tác trực, kiểm tra công trình cần thực hiện nghiêm, đúng quy định để có thể phát hiện sự cố sớm, kịp thời xử lý ngay từ những giờ đầu.

Ngoài hai công trình trọng điểm xung yếu nêu trên, tỉnh Hà Nam còn có các tuyến, khu vực quan trọng khác cần chú ý trong mùa mưa bão năm nay là đoạn đê Hữu Hồng thuộc các xã Nhân Ðạo, Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân), do đoạn đê này dễ bị sạt lở. Tại xã Ðinh Xá (TP Phủ Lý), nơi có tuyến đê bối Ðinh Xá liên tiếp xảy ra sự cố sạt trượt, ngập lụt trong mùa mưa bão hai năm 2017 và 2018. Mùa mưa lũ năm 2017, tuyến đê này bị thiệt hại nặng nề, khi nước sông Châu Giang liên tục tăng cao và tràn vào trong bối, khiến hàng nghìn hộ dân ở ven sông phải chịu cảnh ngập lụt nhiều ngày. Do chủ quan, bị động cho nên các hộ không kịp di chuyển tài sản dẫn đến nhiều hư hại. Ðến năm 2018, mưa lũ cũng gây ra một số điểm sạt lở trên tuyến đê bối của xã, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ thực tế đó, công tác ứng phó trong mùa mưa bão năm nay đã được chính quyền địa phương quan tâm, chủ động hơn. Theo đó, các vật tư, nhân lực, phương tiện cho công tác phòng, chống lụt bão đã được chuẩn bị đầy đủ. Từ đầu tháng 5-2019, xã thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, xác định vùng trọng điểm, phân công phụ trách địa bàn cho từng thành viên để có thể huy động ngay khi sự cố xảy ra. Cùng với đó, công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống được tăng cường.

Trong mùa mưa lũ năm 2018, địa bàn huyện Duy Tiên xảy ra 10 sự cố, song đã được Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện tập trung chỉ đạo khắc phục kịp thời. Năm nay, huyện Duy Tiên xác định chủ động phòng, chống là chính, đối phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Trong phòng, chống không được chủ quan và luôn làm tốt công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Mùa mưa lũ năm 2018, huyện Thanh Liêm chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lớn kéo dài. Hầu hết các xã tại vùng bị ngập nặng đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của hàng nghìn hộ dân. Nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc từ những thiệt hại trong hai năm 2018 và 2019, huyện Thanh Liêm đã sớm xây dựng kế hoạch, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra. Bảo đảm giữ an toàn hệ thống đê điều, tưới tiêu hợp lý cho hơn 7.000 ha đất canh tác nông nghiệp và tiêu úng phục vụ sản xuất và đời sống.

Ngay trong sáu tháng đầu năm, tỉnh Hà Nam đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN năm 2019 của tỉnh theo quy định. Tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ, xây dựng phương án trọng điểm và các phương án PCTT; chuẩn bị đầy đủ các vật tư phòng, chống lụt bão. Tổ chức hội nghị hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2019 với các đơn vị tăng cường của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh.

Song điều đáng lo ngại nhất trong công tác PCTT của tỉnh Hà Nam vào mùa mưa bão chính là sự xuống cấp của một số tuyến đê và năng lực tưới tiêu hạn chế của một số công trình thủy lợi. Kết quả đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa mưa bão của tỉnh Hà Nam cho thấy, công trình đê điều trên sông Ðáy qua huyện Thanh Liêm, nhiều đoạn chưa có cơ đê, nền thân đê yếu, một số điểm bị sạt trượt mái kè. Nguy cơ xảy ra sự cố ở mức cao khi có mưa lũ lớn.

Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng của công trình đê điều trên tuyến tả hữu sông Hồng và tả sông Ðáy đoạn qua tỉnh Hà Nam, vẫn còn nhiều tồn tại như có đoạn chưa có cơ đê, chưa có tre chắn sóng, nhiều nơi nền đê yếu, nhiều đoạn mặt đê bị vỡ nát… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hệ thống đê sông con, đê bối đã được quan tâm tu bổ nhưng một số tuyến vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lụt bão, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố nguy hiểm trên hệ thống này.

Nguyên nhân một phần là do thiếu vốn, cho nên công tác đầu tư tu bổ, nạo vét kênh tưới tiêu thiếu đồng bộ, nhiều trạm bơm được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, hệ thống máy móc thiết bị lạc hậu, chỉ vận hành đạt từ 60% công suất thiết kế. Sự phát triển nhanh hạ tầng giao thông, công nghiệp trên địa bàn trong những năm qua đã và đang tác động không nhỏ đến hệ thống thủy lợi, kênh mương, làm giảm năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ PCTT và TKCN trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các xã, thị trấn ven đê chuẩn bị đủ lực lượng xung kích, tuần tra canh gác, vật tư, phương tiện. Rà soát kiểm tra số lượng vật tư hiện có, thay thế vật tư hỏng, bổ sung thêm những vật tư còn thiếu theo yêu cầu. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các huyện, thành phố, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình trước mùa mưa lũ, kịp thời phát hiện những hư hỏng có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều, xử lý sự cố. Triển khai nghiêm túc công tác chuẩn bị vật tư, nhân lực phục vụ phòng, chống lụt bão theo phương châm “bốn tại chỗ” gắn với phương án xử lý tại khu vực trọng điểm và các vị trí xung yếu, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, an toàn cho công trình khi có sự cố xảy ra.

ÐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/40714102-chu-dong-ung-pho-trong-mua-mua-bao.html