Chủ động ứng phó với dịch Covid-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chủ động ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trên tinh thần đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể vừa phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người lao động, đồng thời giữ được đà tăng trưởng.

Tổng công ty May 10 - CTCP đã có nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động trước sự tác động của dịch Covid-19.

Hệ lụy từ dịch bệnh

Trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến không chỉ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bị tồn đọng, mà hàng loạt doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất được nhập từ vùng có dịch cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc thiếu việc làm. Đề cập về khó khăn này, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH vật liệu Tầm Nhìn Việt cho hay, hầu hết nguyên vật liệu sản xuất như nhôm và các phụ liệu sản xuất đều nhập từ vùng có dịch. Hiện việc nhập hàng bằng đường biển và qua đường biên giới đều khó khăn khiến công ty đứng trước nguy cơ không có nguồn nguyên liệu sản xuất.

Tương tự như vậy, các doanh nghiệp dệt may cũng đang gặp khó vì nguồn nguyên liệu sản xuất sắp cạn. Theo bà Hoàng Ngọc Ánh, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện các doanh nghiệp dệt may, da giày đang bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước khó khăn này, doanh nghiệp Việt đã chủ động nội địa hóa sản phẩm, nhưng khoảng 80% các loại nguyên phụ liệu (vải đặc chủng, nút, khuy, khóa...) vẫn phải nhập khẩu từ vùng đang có dịch. Nếu dịch Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp chỉ còn đủ nguyên phụ liệu sản xuất đến hết tháng 3-2020.

Trong khi đó, lĩnh vực giao thông vận tải cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (Hãng xe Sao Việt) cho biết, thông thường từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay là mùa cao điểm của vận tải, nhưng hiện nay đơn vị đã phải cắt giảm một nửa số lượng phương tiện vì vắng khách. Tính cả chi phí vận tải liên tỉnh và vận tải du lịch, mỗi tháng doanh nghiệp đang phải bù lỗ gần 1 tỷ đồng.

Được biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang đề nghị các đơn vị thống kê mức độ thiệt hại do dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp để VCCI tổng hợp báo cáo Chính phủ. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng cho biết, tại 30 tỉnh, thành phố đã có 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 553 đơn vị giảm quy mô, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ gia đình phải dừng hoạt động, hoặc thu hẹp sản xuất.

Bảo đảm an toàn, giữ nhịp sản xuất

Rõ ràng, dịch Covid-19 đã và đang gây những khó khăn lớn cho doanh nghiệp trên nhiều mặt. Song, vấn đề được doanh nghiệp quan tâm trước tiên, đặt lên hàng đầu là bảo đảm sự an toàn cho người lao động trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Theo đó, hàng loạt giải pháp đã được nhiều doanh nghiệp triển khai nhanh, kịp thời, phù hợp với từng môi trường làm việc của người lao động như: Đo thân nhiệt cho toàn thể cán bộ, nhân viên; yêu cầu đeo khẩu trang, cung cấp dung dịch sát khuẩn, khử trùng tại tất cả khu vực, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người...

Để bảo đảm việc làm cho người lao động, đồng thời giữ nhịp sản xuất trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tìm hướng đi phù hợp trong sản xuất. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ... nhằm bù đắp nguồn thiếu hụt cho sản xuất. Hiệp hội cũng mong Chính phủ sớm có sự điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, hạ lãi suất ngân hàng, chính sách bảo hiểm… đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thông tin thêm về giải pháp ổn định sản xuất, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho biết, sản phẩm của công ty có tỷ lệ nội địa hóa cao, nhưng một số vải đặc chủng (vải dệt kẻ, vải in hoa...) vẫn cần nhập khẩu. Hiện tại, khó khăn với công ty chưa nhiều, vì nguyên liệu còn đủ sản xuất đến giữa tháng 3-2020. Trước mắt, công ty đã có thêm một số đơn hàng, trong đó có đơn hàng từ đối tác Hàn Quốc, sử dụng 100% nguyên liệu trong nước nên khó khăn trong giai đoạn tới sẽ được giảm nhẹ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp dệt may đã ứng phó với dịch bằng cách hỗ trợ chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 3 và tháng 4-2020, đồng thời cũng thảo luận với khách hàng để tìm các nguồn cung nguyên liệu thay thế.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, Chính phủ đã có những sách lược cụ thể như yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hạ chi phí logistics và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu... Từ chỉ đạo này, hàng loạt ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid -19. Hiện các cơ quan chức năng cũng đang xây dựng giải pháp về chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Trong đó, tập trung việc giãn thời gian nộp thuế, không phạt chậm nộp thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Với những bước đi cụ thể và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cũng như sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn những ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được giảm thiểu, qua đó giữ vững nhịp tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/959091/chu-dong-ung-pho-voi-dich-covid-19