Chủ động ứng phó với khô hạn vụ hè-thu

Hiện, bà con nông dân đang tích cực gieo cấy vụ hè-thu, một số địa phương đã hoàn thành. Để chủ động nguồn nước tưới, ngay từ đầu vụ, các đơn vị chức năng cùng chính quyền các địa phương đã lên phương án sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.Toàn tỉnh hiện có 151 hồ chứa nước, 193 đập dâng, 298 trạm bơm. Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa nước trên địa bàn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu gieo cấy vụ hè-thu. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống máy bơm dã chiến tại Công ty Khai thác CTTL đã cũ nên không đáp ứng được yêu cầu bơm nước khi hạn hạn xảy ra, công ty mong muốn UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí mua sắm máy bơm thế hệ mới để đáp ứng yêu cầu chống hạn cấp thiết hiện nay.

Điều tiết nguồn nước hợp lý

Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông-xuân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè-thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6; diện tích gieo trồng lúa vụ hè-thu theo kế hoạch là 14.500ha. Do đó, việc điều tiết hợp lý, bảo đảm nguồn nước tưới có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (Công ty Khai thác CTTL) được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, khai thác 35 hồ chứa, 2 đập dâng, hệ thống thủy lợi Rào Nan, 9 trạm bơm và cống ngăn mặn giữ ngọt Mỹ Trung phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, cấp nước dân sinh và các ngành kinh tế khác trên địa bàn toàn tỉnh. Qua cân đối nguồn nước trong điều kiện bình thường thì các hồ chứa do công ty quản lý bảo đảm cấp nước đủ phục vụ cây trồng trong năm 2024.

Hồ chứa Vực Sanh có nguy cơ cạn kiệt khi nắng nóng gay gắt xảy ra trong thời gian dài.

Hồ chứa Vực Sanh có nguy cơ cạn kiệt khi nắng nóng gay gắt xảy ra trong thời gian dài.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc công ty thì nếu nắng hạn kéo dài sẽ gây thiếu nước ở một số công trình do công ty quản lý, như: Đập dâng Rào Sen; các hồ chứa Ba Nương, Long Đại, Khe Ngang, Vực Sanh, Vực Tròn, Trung Thuần… Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè-thu cũng như ứng phó với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, hạn hán, ngày từ đầu vụ hè-thu, công ty đã triển khai thực hiện đồng bộ công tác sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, cửa lấy nước; bảo dưỡng máy móc, thiết bị trạm bơm, các máy bơm dự phòng và xác định các vị trí đặt trạm bơm dã chiến phục vụ kịp thời cho sản xuất.

Công ty cũng phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, vận hành các công trình thủy lợi, công trình ngăn mặn, giữ ngọt Mỹ Trung phục vụ chống hạn.

Đơn cử như tại hồ Long Đại (Quảng Ninh), do không đủ nước tưới nên công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi hơn 30ha đất trồng lúa ở xã Hiền Ninh sang trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày nhằm tránh bỏ hoang đất đai trong vụ hè-thu khi không có nước để tưới tiêu.

Còn hồ Vực Sanh, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) có dung tích khoảng 3,2 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho 387ha lúa đông-xuân và 213ha lúa vụ hè-thu của xã trong điều kiện thời tiết bình thường. Nhưng nếu nắng nóng kéo dài sẽ gây thiếu nước bởi hiện mực nước trong hồ giảm còn 60%. Hàng năm, công ty Khai thác CTTL thường bố trí 2 máy bơm dầu công suất 600m3/giờ để bơm nước chết trong lòng hồ, phục vụ tưới tiêu cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.

Ông Lưu Thanh Hải, Trưởng thôn 9, xã Hạ Trạch cho biết: “Hiện nay, nguồn nước từ công trình hồ chứa Vực Sanh đang bảo đảm phục vụ sản xuất vụ hè-thu, địa phương đã nắm lịch thời vụ của huyện để đôn đốc người dân đưa máy vào làm đất sớm cho kịp tiến độ gieo trồng. Để phòng, chống hạn, trước khi gieo sạ, địa phương cũng đã triển khai nạo vét kênh mương, tránh gây thất thoát nước, tiết kiệm nước trong lòng hồ. Nhờ có phương án đặt máy bơm dã chiến kịp thời khi nắng nóng kéo dài nên vụ hè-thu hàng năm, lúa của địa phương đều đạt năng suất cao.

Chủ động các giải pháp chống hạn

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trần Xuân Tiến cho biết: Quảng Bình là một trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan, nắng nóng kèm gió tây nam xuất hiện sớm với nền nhiệt, cường độ cao và kéo dài gây thiếu nước, hạn hán xâm nhập mặn. Mặt khác, trong lưu vực các hồ chứa, diện tích thảm phủ thực vật ngày càng thu hẹp và mật độ che phủ ngày càng giảm, nên lượng nước đến trong các tháng bị khô kiệt, thấp hơn so với thiết kế; bên cạnh đó vùng lòng hồ trải qua nhiều năm vận hành tích nước đã bị bồi lấp, một số hồ chứa vừa và nhỏ đã hư hỏng xuống cấp, đập bị thấm mạnh đã làm giảm khả năng trữ nước của hồ chứa.

Hiện tại, bình quân dung tích của 151 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 54,5% dung tích thiết kế. Đặc biệt có một số hồ có dung tích rất thấp, như: Hồ Cơn Ruộng 29%, Bàu Mía 17,7%, Long Đèn 29,6%, Khe Dây 25,27%, Khe Chè 17%... nguy cơ xảy ra thiếu nước rất cao.

Nông dân tiến hành gieo trồng vụ lúa hè-thu.

Nông dân tiến hành gieo trồng vụ lúa hè-thu.

Do đó, để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát, cân đối lại nguồn nước thực có của các hồ chứa với nhu cầu dùng nước để xác định diện tích tưới phù hợp, bảo đảm ăn chắc vụ hè-thu 2024; đồng thời phối hợp với Công ty Khai thác CTTL xem xét phương án hỗ trợ nước các hồ chứa lớn của công ty quản lý chống hạn cho những diện tích thiếu nước do địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán cho từng công trình, từng xứ đồng, khẩn trương lắp đặt các trạm bơm dã chiến tận dụng nguồn nước từ các ao, hồ, sông suối tự nhiên để tưới, như: Bơm tại hói Đồng Phường, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) để tưới bổ sung cho diện tích lấy nước tưới từ hồ Khe Ngang; bơm tại cầu máng Quảng Thanh (Quảng Trạch) tưới cho thôn Phù Ninh, xã Quảng Thanh để tưới bổ sung khi hồ Tiên Lang cạn kiệt …

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các giống cây phù, khả năng chịu hạn cao cho diện tích đất thiếu nước; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước tới người dân; vận động người dân trữ nước và sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/chu-dong-ung-pho-voi-kho-han-vu-he-thu-2218648/