Việt Nam không còn dư thừa nước, cần tư duy tiếp cận mới về thủy lợi

Hệ thống thủy lợi Việt Nam cớ 290.000 trạm bơm lớn nhỏ khác nhau; 170.000 công trình kênh mương, với tổng chiều dài hàng triệu km; gần 7.500 hồ đập thủy lợi đã trở thành nền tảng để ngành nông nghiệp tái cơ cấu hợp lý, có đủ nước để có thể chủ động sản xuất…

Hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam có khả năng cung cấp nước tưới trực tiếp cho 1.170 km2 đất sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM, Bình Phước và Bình Dương.

Hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam có khả năng cung cấp nước tưới trực tiếp cho 1.170 km2 đất sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM, Bình Phước và Bình Dương.

Chiều 26/6/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo, thông tin về "Cuộc thi 80 năm ngành Thủy lợi Việt Nam đồng hành cùng đất nước”. Đồng thời, công bố logo nhận diện mới của ngành Thủy lợi Việt Nam.

VIỆT NAM CÓ HẠ TẦNG THỦY LỢI TỐT NHẤT THẾ GIỚI

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thủy lợi có một vị trí quan trọng đối với kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia. Trong suốt chặng đường vừa qua, ngành thủy lợi đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc bảo vệ, cải tạo môi trường, góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quang cảnh buổi họp báo phát động cuộc thi 80 năm ngành Thủy lợi Việt Nam đồng hành cùng đất nước.

Quang cảnh buổi họp báo phát động cuộc thi 80 năm ngành Thủy lợi Việt Nam đồng hành cùng đất nước.

Hệ thống thủy lợi của Việt Nam hiện có 290.000 trạm bơm lớn nhỏ khác nhau, 170.000 công trình kênh mương có tổng chiều dài hàng triệu km. Cùng với đó, nước ta hiện có 7.342 đập, hồ thủy lợi với dung tích trữ từ 50.000m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên. Xây dựng được trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200ha trở lên, trong đó 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ trên 2.000ha.

Những hồ thủy lợi đặc biệt quan trọng như Hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam, nằm ở địa phận 3 tỉnh là Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương, với diện tích mặt nước 270 km2, dung tích nước là 1,58 tỷ m3. Hồ Dầu Tiếng có khả năng cung cấp nước tưới trực tiếp cho 1.170 km2 đất sản xuất nông nghiệp tại TP. HCM, Bình Phước và Bình Dương.

Hồ Cửa Đạt là hồ thủy lợi lớn thứ hai cả nước, nằm tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, diện tích mặt nước 31 km2, trữ nước là 1,45 tỷ m3. Hồ có vai trò ổn định nước tưới cho 86.862ha đất canh tác vùng Bắc sông Chu và Nam sông Mã.

Xếp vị trí thứ 3 là hồ thủy lợi Ngàn Trươi tại tỉnh Hà Tĩnh, cung cấp nước tưới cho 32.585 ha nông nghiệp của 8 huyện, thị xã phía Bắc Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ ở tỉnh Hà Tĩnh có điện tích dung tích trữ 345 triệu m3, lòng hồ hơn 30km2, nhiệm vụ cấp nước canh tác cho 2 huyện.

"Việt Nam đã không còn dư thừa nước, mà đã trở thành quốc gia thiếu nước, khi phần lớn nguồn nước phụ thuộc vào các con sông từ nước khác chảy vào nước ta. Do đó, cần tư duy tiếp cận mới về thủy lợi, từ trữ và phân phối nước, chất lượng nước, đến bảo vệ nguồn nước".

Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hệ thống thủy lợi, hệ thống điều chỉnh, điều hòa nguồn nước trong mạng lưới các hồ thủy lợi đã trở thành nền tảng để ngành nông nghiệp tái cơ cấu hợp lý, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có đủ nước để có thể chủ động sản xuất.

Ngân hàng Thế giới (Word Bank) nhiều lần đánh giá: “Việt Nam là quốc gia có hạ tầng thủy lợi nhiều và tốt bậc nhất thế giới”.

Ông Nguyễn Tùng Phong cho rằng hệ thống thủy lợi không chỉ đem nước đến cho người dân, mà còn là không gian sống của người dân; cảnh quan và kiến trúc nông thôn, niềm tự hào của nhân dân bản địa. Hạ tầng thủy lợi hướng đến phục vụ sản xuất cây, con giá trị kinh tế cao, nhất là thủy sản, cây ăn quả, cây đặc sản.

Do đó, cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển thủy lợi và cấp nước sạch nông thôn ở những địa bàn khó khăn về nguồn nước như các tỉnh trung du miền núi, Tây Nguyên, Nam Trung bộ…; những dự án có thể mức đầu tư không lớn nhưng cực kỳ có ý nghĩa về mặt xã hội.

PHÁT ĐỘNG CUỘC THI BÁO CHÍ VÀ SÁNG TÁC VỀ THỦY LỢI

Nhằm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ tư duy phát triển đơn giá trị sang tư duy tích hợp đa giá trị, ngành thủy lợi cần phải đi trước một bước theo hướng hiện đại, thông minh và phục vụ đa mục tiêu.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2025), Cục Thủy lợi tổ chức Cuộc thi “80 năm ngành Thủy lợi Việt Nam đồng hành cùng đất nước”, khẳng định những thành tựu vượt bậc và vai trò quan trọng của ngành thủy lợi đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Cuộc thi động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước sáng tạo những tác phẩm phản ánh trung thực, sinh động về ngành thủy lợi với vai trò quan trọng trong đời sống con người, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa đến trở thành một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng nhằm mục đích tôn vinh những công trình, những tấm gương tiêu biểu trong lĩnh vực thủy lợi. Thông qua tác phẩm dự thi, những câu chuyện trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển ngành thủy lợi sẽ được nhiều người trong xã hội biết đến.

Những tác phẩm dự thi là cơ hội để mỗi người làm công tác thủy lợi nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của ngành để viết tiếp các trang lịch sử hào hùng và phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh phát triển theo hướng đa mục tiêu của ngành.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cuộc thi được phát động với mong muốn khẳng định những thành tựu vượt bậc, đóng vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của ngành thủy lợi đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng và kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước nói chung. Đồng thời, cổ vũ, động viên tinh thần lao động, sáng tạo trong ngành thủy lợi.

Ban Tổ chức sẽ nhận sản phẩm dự thi từ khi phát động Cuộc thi cho đến hết ngày 15/6/2025 (tính theo dấu bưu điện). Sản phẩm dự thi thuộc các loại hình: Bài viết, bài nói, video - clip, phóng sự ảnh, truyện ngắn, thơ… đảm bảo tuân thủ các quy định về hình thức và nội dung của thể lệ Cuộc thi.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi bao gồm: 01 Giải đặc biệt, 03 Giải A, 06 Giải B; 09 Giải C, 15 Giải Khuyến khích và 03 Giải dành cho các tập thể tổ chức cuộc thi tốt, có số lượng sản phẩm tham gia cuộc thi lớn, chất lượng tốt.

Sản phẩm dự thi (gồm bản in, file mềm, file âm thanh/hình ảnh/clip đối với bài nói, video - clip, ảnh) gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam - Địa chỉ: Số 14 Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; phong bì đựng tác phẩm dự thi ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi “80 năm ngành Thủy lợi Việt Nam đồng hành cùng đất nước”.

Hoặc các tác giả tham gia có thể gửi file mềm, file âm thanh/hình ảnh/clip tác phẩm dự thi về địa chỉ Email: cuocthi80namthuyloi@gmail.com; 80namthuyloi@wrd.gov.vn

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-khong-con-du-thua-nuoc-can-tu-duy-tiep-can-moi-ve-thuy-loi.htm