Chủ động ứng phó với mưa lớn trên diện rộng

Những ngày vừa qua, nhiều nơi trên cả nước có mưa lớn, gây ngập lụt, sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tuần này (từ nay đến ngày 27-7), về cơ bản trên địa bàn cả nước sẽ có mưa vừa, mưa to và rất to, nhất là từ Thanh Hóa trở ra Bắc Bộ và khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá... Đặc biệt là miền Bắc sẽ có mưa lớn từ ngày 22 đến 24-7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2.

Từ đầu tháng 7 đến nay, trước tình trạng mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại ở nhiều nơi, đặc biệt là hiện tượng sạt lở đất, các cấp chính quyền cùng lực lượng vũ trang và cơ quan chức năng đã tăng cường ứng phó, giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả. Trước khả năng đợt mưa to cao điểm diễn ra khắp mọi miền, trong khi mực nước các sông suối, hồ đập đang cao, nước đã ngấm nhiều vào đất... thì nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở là rất lớn.

 Do mưa lớn, trên tuyến Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã xuất hiện 15 điểm sạt lở.

Do mưa lớn, trên tuyến Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã xuất hiện 15 điểm sạt lở.

Để ứng phó hiệu quả với đợt mưa lớn diễn ra trên diện rộng, nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng, trước hết, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải nêu cao tinh thần chủ động, tuyệt đối không chủ quan; thường xuyên bám sát tình hình, diễn biến thời tiết, triển khai cho các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những nguy cơ, khu vực có thể xảy ra nguy hiểm để có biện pháp phòng tránh, di dời người và tài sản đến vị trí an toàn. Các địa phương, lực lượng chức năng duy trì nghiêm chế độ canh trực phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật chất, hậu cần sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo đúng phương châm "4 tại chỗ".

Đặc biệt, chính quyền cơ sở cần huy động cán bộ, công chức và lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ thôn, bản tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân ở những khu vực có nguy cơ mất an toàn cao các biện pháp phòng tránh, triển khai thu hoạch nông, lâm, thủy sản sớm để hạn chế thiệt hại; phân công cán bộ, lực lượng phụ trách từng khu vực dân cư để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả. Các địa phương bị thiệt hại nặng phải chủ động, sáng tạo, tổ chức huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ nhân dân, nhất là các hộ đặc biệt khó khăn khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Trong Quân đội, Bộ Tổng Tham mưu đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị về việc ứng phó, phòng, chống thiên tai trước tình hình mưa lũ xảy ra trên diện rộng. Toàn quân phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ, duy trì nghiêm chế độ ứng trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến thời tiết, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra, nhất là làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Có tích cực, chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó mới có thể hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

LÂM SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chu-dong-ung-pho-voi-mua-lon-tren-dien-rong-786351