Chủ động ứng phó với mưa lũ
Thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều khu vực trên cả nước hứng chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường.
Ở Thủ đô Hà Nội, từ đêm 27-9 đến sáng 28-9, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng. Từ 7h đến 9h ngày 28-9, mưa trắng trời tiếp tục xuất hiện, lượng mưa đo được cao nhất tại các quận, huyện: Hoàng Mai lên đến 100mm; Hà Đông 96mm; Thanh Xuân 75mm; Thanh Trì 71mm; Nam Từ Liêm 70mm... Mưa liên tiếp với lưu lượng lớn đã khiến hệ thống thoát nước đô thị của thành phố quá tải, nhiều tuyến đường ngập trong nước.
Trong khi đó, từ ngày 25-9 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đạt hơn 500mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Đáng chú ý, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trên Biển Đông, từ nay đến cuối năm 2023, có khả năng xuất hiện 3-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1-2 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Do khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino, nên cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết nói trên, ngay trong sáng qua (28-9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 898/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo đó, trước sự khẩn cấp của mưa lũ, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh.
Trong tình huống thiên tai, các địa phương cần triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu; sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra…
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho các bộ, ngành liên quan, địa phương để chỉ đạo kịp thời, đồng thời giúp các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng chống mưa lũ để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, các địa phương cần sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản về phòng chống bão lụt và tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án, kịch bản này trên tinh thần phương châm “4 tại chỗ”...
Chủ động ứng phó thiên tai, bão lũ với bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết sẽ giảm thiểu thiệt hại gây ra.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-643443.html